Trong tỉnh

Tiền hỗ trợ bảo vệ rừng bị "xén" không lý do

Theo quy định, người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng được hỗ trợ 400.000 đồng/ha. Thế nhưng tại Thanh Hóa, nhiều năm qua họ chỉ được nhận từ 151.000 - 260.000đ/ha.

Không hiểu vì sao phải nhận thiếu tiền?

Theo Nghị định 75/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, mỗi ha rừng nhận giao khoán bảo vệ, người dân sẽ được hỗ trợ 400.000 đồng/năm. Thế nhưng thực tế tại tỉnh Thanh Hóa nhiều năm qua người dân chỉ được nhận từ 151.000 - 260.000đ/ha.

Tam Thanh là một xã miền núi thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Quan Sơn. Nơi đây tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, Lào với thế mạnh lớn nhất là rừng. Từ xa xưa đồng bào nơi đây sống dựa vào rừng, coi rừng là nguồn sống. Từ khi Nghị định 75 của Chính phủ có hiệu lực, người dân trông đợi và hy vọng sự hỗ trợ từ chính sách này sẽ góp phần ổn định cuộc sống và phát triển bền vững.

Tiền hỗ trợ bảo vệ rừng bị xén không lý do - 1

Nhiều người dân không hiểu vì sao họ không được chi trả tiền bảo vệ rừng theo quy định.

Thế nhưng, hàng trăm hộ dân nơi vùng biên này không hiểu vì sao nhiều năm qua chưa được nhận đầy đủ tiền theo chế độ, chính sách của nhà nước.

Ông Hà Văn Măng, Trưởng bản Phe, xã Tam Thanh (huyện Quan Sơn) cho biết, ông được giao 4 héc ta rừng sản xuất để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh. Theo Nghị định 75 của Chính phủ thì gia đình ông sẽ được hỗ trợ 1,6 triệu đồng/năm; nhưng năm 2017, gia đình ông Măng chỉ nhận được hơn 1 triệu, năm 2018 nhận hơn 600 nghìn đồng.

Ông Vi Văn Lưng, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, khẳng định, ông chính là người được thụ hưởng chính sách này và số tiền hỗ trợ ông nhận cho mỗi ha rừng cũng giống hệt ông Măng.

“Tiền khoán bảo vệ rừng mới được đến năm 2018, thực sự phát năm 2018 thì 1 ha chỉ được 151.000 đồng. Huyện thành lập ban đi phát cho người dân, xã cùng tham gia. Họ không nói gì mà chỉ phát trực tiếp cho người dân, ký vào danh sách. Chúng tôi cũng không hiểu tại sao cùng 1 chính sách, nhưng năm 2017 chi trả 262.000 đ/ha, đến năm 2018 tụt xuống 151.000 đ/ha” - ông Vi Văn Lưng cho biết.

Theo tìm hiểu thì tình trạng trên cũng xảy ra ở các xã khác của huyện Quan Sơn.

“Cấp trên cấp về bao nhiêu chi trả bấy nhiêu”

Ông Hà Văn Toản, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn - đơn vị chủ dự án cho biết: “Năm 2018, huyện Quan Sơn có 303 hộ được phê duyệt hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ, với diện tích 7.998 ha; diện tích khoán bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất là 35.863 ha, có 41.193 hộ tham gia. Với nguồn kinh phí được phân bổ, năm 2017, huyện chi trả cho dân tiền nhận khoán bảo vệ rừng là 263.000đ/ha; năm 2018 tụt xuống còn 151.000đ/ha”.

Tiền hỗ trợ bảo vệ rừng bị xén không lý do - 2

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khẳng định việc chi trả tiền hỗ trợ phụ thuộc vào "túi tiền" được phân bổ.

“Nghị định 75 góp phần bảo vệ rừng, quy định là 400.000đ/ha nhưng đi chi trả thực tế không đáp ứng được theo Nghị định ban hành. Người dân có hỏi, ý kiến, chúng tôi giải trình là do điều kiện ngân sách của Trung ương, tỉnh. Huyện đang tiếp tục kiến nghị với cấp trên để đáp ứng được quy định“- ông Toản giải thích.

Ông Toản cũng khẳng định, cấp trên cấp kinh phí về bao nhiêu, huyện bố trí giải ngân cho dân, không sử dụng vào việc khác và cũng không để lại đồng nào.

“Hiện nay theo định mức đối với tỉnh cấp chưa đúng, đủ. Theo Nghị định của Chính phủ, việc chi trả do ngân sách nên tỉnh khó khăn chưa đáp ứng được. Huyện đã kiến nghị với các đoàn giám sát Quốc hội, khi Chính phủ ban hành định mức thì phải bố trí đúng theo định mức, nhưng tỉnh cấp chưa đúng“- ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết.

Được biết, ở các huyện khác của tỉnh Thanh Hóa được thụ hưởng chính sách này đều trong tình trạng tương tự. Theo Nghị định 75 của Chính phủ, Thanh Hóa có 7 huyện triển khai thực hiện, với diện tích 210.160 ha.

Ông Phạm Chí Dũng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị xây dựng kế hoạch hỗ trợ 400.000 đồng/ha. Tuy nhiên nguồn ngân sách Trung ương chỉ bố trí được 34,115 tỷ đồng cho 3 năm, sau khi trừ các khoản chỉ còn 151.000 đồng/ha.

“Mặc dù chính sách đưa ra 400.000 đồng/ha nhưng hiện chỉ cấp được 150.000-200.000 đồng/ha thì cấp thôi. Nếu tỉnh nào có tiềm lực thì có thể bổ sung nhưng Thanh Hóa không có nguồn lực nên phải báo cáo Trung ương để cân đối" - ông Phạm Chí Dũng cho biết.

Dù chính quyền tỉnh Thanh Hóa đang chi trả thiếu tiền khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ đối với người dân, nhưng ngay chính quyền cũng không biết. Liệu người dân có được chi trả bổ sung số tiền còn thiếu trong mấy năm qua hay không?

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok