Sáng nay theo giờ Việt Nam, Facebook đã chính thức giới thiệu về dự án phát triển đồng tiền ảo mới của họ, với tên gọi là Libra.
Sự kiện ra mắt của Libra cùng với đà tăng trưởng đột phá của thị trường tiền ảo đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của không chỉ các nhà đầu tư, chuyên gia góp vốn, mà cả những người dùng thông thường, vốn chỉ quen thuộc với mạng xã hội Facebook.
Trên giấy tờ, Libra có vẻ như sẽ trở thành một đồng tiền ảo rất thuyết phục: Được “chống lưng” bởi một trong tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới (Facebook), có mặt trên những ứng dụng mà chúng ta sử dụng hàng ngày (Messenger, WhatsApp), và thậm chí đi kèm lời hứa về an toàn và bảo mật.
Tuy nhiên, nhiều tờ báo lớn như Business Insider, The Verge,... đã ngay lập tức bày tỏ sự không tin tưởng vào Libra, dù phải tới năm 2020 thì đồng tiền ảo này mới chính thức đi vào giao dịch.
Tiền ảo Libra gặp vấn đề về niềm tin
“Libra sẽ là một đồng tiền ảo độc lập. Mặc dù các kỹ sư của Facebook có tham gia lập trình nó, nhưng công ty thừa nhận họ sẽ tách rời khỏi dự án theo thời gian”, Business Insider cho biết.
Facebook cũng thực sự muốn chúng ta tin tưởng vào “Libra Association” - một tổ chức thành viên gồm nhiều thương hiệu lớn như Visa, PayPal, MasterCard, eBay,...
Thế nhưng khi chúng ta truy cập vào website Libra.org - trang chủ của Libra, thì lại chẳng thấy một đề cập nào tới Facebook, cũng như Calibra - dịch vụ đóng vai trò như ví tiền ảo của Libra, ngoài một vòng tròn điền tên của những công ty này cùng 26 thành viên khác.
Điều này có cảm giác như Facebook đang tìm cách tách mình khỏi Libra, với Calibra được bố trí để làm “người trung gian”. Nhưng điều này gây mâu thuẫn lớn khi về bản chất thì Libra và Calibra đều là sản phẩm của Facebook.
Chính sự “mờ ám” này đã khiến nhiều chuyên gia ngờ vực sự thành công và tính trung thực của đồng tiền ảo Libra.
“Sử dụng Libra đồng nghĩa với việc bạn phải rất tin tưởng Facebook”
CEO Mark Zuckerberg cùng dòng chữ trên sân khấu: “Tương lai chính là bảo mật”.
Niềm tin là một yếu tố rất quan trọng đối với đông đảo người dùng, đặc biệt là khi nói đến các ứng dụng và dịch vụ tài chính. Bạn có thể tin tưởng Facebook đủ để đăng ảnh cá nhân và bình luận, nhưng để đặt tiền của mình vào đó lại là một câu chuyện khác.
Cùng quan điểm nêu trên, The Verge cho rằng “sử dụng Libra đồng nghĩa với việc tin tưởng Facebook - vốn là một điều khó khăn trong bối cảnh hiện nay”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng Libra khó thành công vì phá vỡ đi quy tắc cơ bản, khi đồng tiền ảo này chỉ chạy trên một khối blockchain được cấp phép. Trong đó, chỉ những công ty nằm trong vòng kết nối “Libra Association” mới có thể “đào” chúng.
Theo Facebook, đây là cách để họ đảm bảo sự ổn định, cũng như tránh việc dẫn tới lạm phát. Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới việc lòng tin của người dùng lại bị chia nhỏ nhiều hơn, đến các công ty như Visa, Mastercard, hay nhiều công ty sẽ tham gia vòng kết nối sau này.
Không chỉ các tờ báo công nghệ, một số đại diện của các cơ quan chính phủ tại EU cũng cho rằng không nên coi Libra là một sự thay thế cho tiền tệ truyền thống. “Libra dường như đã trở thành một loại tiền tệ hợp pháp. Đây là một vấn đề không thể và không được xảy ra”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Tờ The Verge cho rằng người dùng không nên quá phấn khích trước sự ra mắt của đồng tiền ảo mới, bởi Libra nhiều khả năng có thể chỉ là một quân bài để nắm lấy quyền lực, thay vì mô hình giao dịch, đầu cơ tiền tệ như các đồng tiền ảo khác.
Rõ ràng, việc tham gia vào các hoạt động kinh doanh của ngân hàng trung ương sẽ mang đến lợi ích cho mọi công ty được kết nối, điển hình như cổ phiếu của Facebook đã tăng vọt vài giờ sau khi công bố đơn vị tiền ảo mới.
Trong khi đó, các nhà chức trách Mỹ và Anh thì đang bày tỏ lo ngại trước kế hoạch “lấn sân” sang mảng tài chính của Facebook.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí