Trong tỉnh

Thường vụ Tỉnh ủy cần “cẩn trọng” trước khi quyết định

Không chỉ Thanh Hóa mà trên địa bàn cả nước, điện và nước là 2 sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu lãnh đạo tỉnh thực sự quan tâm đầu tư bằng nguồn vốn vay thì người dân sẽ hưởng lợi về giá, còn nếu đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, giá nước sẽ tăng cao và người dân sẽ là người chịu thiệt.

Thường vụ Tỉnh ủy cần “cẩn trọng” trước khi quyết định Ông Lê Văn Cuông (phải ảnh), nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra (trái ảnh). Ảnh: P.V

Cẩn trọng trước khi quyết định

Liên quan đến loạt bài “Trụ sở Cty đề xuất dự án gần 1.200 tỷ là cửa hàng bán quần áo?”; “Công ty Thanh Bình có phá ngang dự án?”; “Thanh Hóa đừng để lặp lại vết xe đổ như ở Nghệ An”; “Giá nước tăng gấp đôi khác gì đưa dao vào cắt cổ dân?” mà Báo Thanh tra đã phản ánh, để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa khóa XII về dự án này.

+ Thưa ông, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đang triển khai thực hiện rất thuận lợi dự án xây dựng hệ thống nước thô chuỗi đô thị dọc quốc lộ 47, TP Thanh Hóa và các vùng phụ cận theo hình thức vay vốn ODA Hungari không lãi suất trong nhiều năm. Bất ngờ một công ty tư nhân xuất hiện, đề xuất làm một dự án tương tự, khiến nguy cơ gián đoạn hoặc thay đổi hình thức đầu tư dự án này. Ông có ý kiến, nhận xét gì về việc này?

- Ông Lê Văn Cuông: Hiện nay, không chỉ Thanh Hóa mà trên địa bàn cả nước, điện và nước là 2 sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Nếu lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thực sự quan tâm đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA Hungari thì người dân sẽ hưởng lợi về giá, còn nếu đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân, giá nước sẽ tăng cao và dân sẽ là người chịu thiệt.

Bởi vì, mặt hàng nước bằng bất cứ giá nào thì người dân đều phải sử dụng, do đó lâu nay Nhà nước vẫn phải can thiệp điều hành về giá nước, giá điện nhằm đảm bảo cân bằng xã hội. Hiện nay, ở tỉnh Thanh Hóa đang diễn ra việc làm dự án đưa nguồn nước thô từ thượng nguồn về các huyện phụ cận và TP Thanh Hóa bằng nguồn vốn vay ODA Hungary không lãi trong vòng 26 năm.

Kết luận của Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án bằng nguồn vốn ODA Hungary trước đó. Ảnh: VT

Theo tôi, nếu làm dự án bằng cách này thì rất yên tâm vì dự án đã được các ban, ngành chức năng thẩm định, chờ Bộ Kế hoạch Đầu tư trình Thủ tướng đồng ý là có thể thực hiện ngay dự án. Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân vì giá nước sẽ rẻ hơn so với dự án tư nhân đưa ra trong thuyết trình dự án là cao hơn 50% vào năm 2022 so với hiện tại.

Nếu dự án này đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng “độc quyền” về giá nước. Doanh nghiệp đầu tư nhiều tiền thì bao giờ cũng phải đưa ra các phương án thu hồi vốn nhanh, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải chịu giá nước cao là điều đương nhiên. Do đó, nếu UBND tỉnh Thanh Hóa có trình Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định có đầu tư dự án bằng nguồn vốn tư nhân hay không thì cần phải cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Cần làm rõ những bất thường

+ Một công ty mới thành lập 12 ngày đã trình làm một dự án 1.200 tỷ đồng, trong khi đó, các sở, ngành hầu hết đều có ý kiến phân tích chưa có cơ sở chấp thuận dự án. Thế nhưng, Sở Kế hoạch Đầu tư vẫn có ý kiến đề xuất trình Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định về hình thức đầu tư dự án này. Ông có thấy bất thường gì ở đây không?

- Ông Lê Văn Cuông: Nếu không có dự án vay vốn ODA Hungary thì việc công ty tư nhân xin chấp thuận triển khai dự án bằng nguồn vốn tự có thì có thể chấp nhận được. Đằng này, một dự án đang triển khai thuận lợi, mang tính xã hội hóa, có lợi cho người dân mà tự nhiên xuất hiện một doanh nghiệp tư nhân “chen ngang” vào là khó có thể chấp nhận được.

Ông Lê Văn Sỹ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa XIV cho hay: Dự án này là rất cần thiết, cần phải được triển khai. Vì việc sản xuất nước sạch phải lấy nước thô ở sông Nông Giang, sông này bắt nguồn từ đập Bái Thượng, huyện Thọ Xuân chảy qua địa bàn nhiều xã, huyện khác nên có sự ô nhiễm từ rác thải, nước thải, xác động vật là khó có thể tránh khỏi. Do đó, việc cần kíp một nguồn nước thô khép kín dẫn từ đầu nguồn về đến nhà máy xử lý nước sạch là cần thiết, đảm bảo sức khỏe cho người dân khi sử dụng nước sạch để sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh cần phải cân nhắc khi lựa chọn mô hình đầu tư sao cho thích hợp, người dân sớm được hưởng lợi.

Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính và Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có ý kiến đóng góp bằng văn bản rồi. Hầu hết, đều chưa thống nhất, chưa có cơ sở xem xét chấp thuận, khó có tính khả thi vì dự án đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân chưa chứng minh được khả năng tài chính, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, giá nước đưa ra cao bất thường...

Thời buổi này, thành lập một công ty thì rất dễ dàng, quan trọng là năng lực, khả năng tài chính đến đâu. Do vậy, một công ty mới thành lập có 12 ngày mà đề xuất làm dự án lên đến 1.200 tỷ đồng thì cơ quan chức năng cần phải thẩm định tư cách pháp nhân, năng lực tài chính, nguồn vốn xuất xứ có rõ ràng, xem nguồn tiền có minh bạch không hay lại là dự án “rửa tiền” của các quan chức?

Đặc biệt, với giá nước tư nhân đưa ra cao “ngất ngưởng” như vậy liệu có phù hợp với bối cảnh hiện nay, có tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Chứ không nên tổ chức các cuộc họp, tạo sự đồng thuận giả, quyết định sai một ly là đi một dặm, để lại hậu quả khôn lường, khiến nhân dân mất niềm tin là hỏng. Đừng để sau này, khi thanh tra ra các bất thường lại mất cán bộ thì lại là một bài học đắt giá.

Văn bản đóng góp ý kiến của Sở Tài chính về việc Sở Kế hoạch Đầu tư xin ý kiến đầu tư dự án "bản sao" của dự án vốn vay ODA Hungary, với nội dung khẳng định dự án chưa chứng minh được nguồn tài chính để thực hiện dự án. Ảnh: PV

Do đó, trong vụ việc này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần cảnh giác, đưa ra thảo luận, trao đổi, cân nhắc để đi đến một quyết định sáng suốt, chứ không nghe tham mưu một chiều mà quyết định cho tư nhân bằng bất cứ giá nào. Theo tôi, việc xuất hiện công ty tư nhân chen ngang vào dự án lúc này là bất thường, không trong sáng, cần phải kiểm tra xem có phải là “sân trước, sân sau” của cán bộ lãnh đạo nào không mà lại biết thông tin về dự án vốn vay ODA Hungary tường tận đến như vậy?

Vì sao công ty tư nhân lại trình một dự án gần như là ‘bản sao” của dự án vốn vay này, phải chăng đã có tay trong tuồn tài liệu ra bên ngoài. Cần làm rõ cả vấn đề nội bộ, động cơ, mục đích trong tham mưu dự án này. Không nên để tư duy nhiệm kỳ xuất hiện, bởi Đại hội tỉnh Đảng bộ sắp diễn ra.

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok