Trong nước

Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn về an ninh trật tự và giảm nghèo

Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Bộ trưởng Công an sẽ đăng đàn trong phiên chất vấn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 8 đến 13/8 sẽ cho ý kiến về những vấn đề còn gây tranh cãi của 8 dự án Luật, trong đó có các luật: Giáo dục (sửa đổi); Công an nhân dân (sửa đổi); Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu) không có trong chương trình xem xét tại phiên họp họp này. Trước đó, dự án Luật Đặc khu được Quốc hội cho lùi thời gian xem xét thông qua từ kỳ họp thứ 5 sang thứ 6 vào cuối năm.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Phong.

Trong chương trình, ngày làm việc cuối cùng của phiên họp (13/8) dành cho hoạt động chất vấn với hai nhóm vấn đề.

Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm sẽ đăng đàn giải trình về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp; đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy.

Thượng tướng Tô Lâm cũng sẽ trả lời chất vấn về công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về nội dung trên có: Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng kiểm toán Nhà nước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nhóm vấn đề khác là việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục đào tạo, y tế...); công tác giảm nghèo bền vững...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính nhóm vấn đề trên.

Phiên chất vấn lần này tiếp tục áp dụng những cải tiến đã thực hiện tại kỳ họp thứ 5 vừa qua. Theo đó, chủ tọa điều hành đề nghị 3 đại biểu đặt câu hỏi mỗi lượt, mỗi đại biểu chất vấn không quá một phút/lần, người bị chất vấn trả lời một đại biểu không quá 3 phút. Kết thúc phiên chất vấn, Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc kết luận làm cơ sở để giám sát việc thực hiện.

Tác giả: Bảo Hà

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok