Dẫu biết sự so sánh nào cũng khập khiễng khi có nhiều năm, GV ở nhiều địa phương nhận thưởng Tết là chai dầu ăn, vài kg gạo, thậm chí có những trường không có. Nhưng cũng có những nơi thưởng tết lên mấy chục triệu đồng.
Tại TP.HCM, công đoàn giáo dục thành phố vừa triển khai kế hoạch chăm lo tết cho cán bộ, nhà giáo, người lao động hoạt động trong ngành giáo dục. Theo kế hoạch này, mức chăm lo cho nhà giáo thấp nhất là 500.000 đồng. Tết Đinh Dậu 2017, ở TP.HCM có 51/97 trường công lập có thưởng Tết với tổng số tiền gần 9 tỷ đồng.
Mức thưởng bình quân của giáo viên là gần 1,8 triệu đồng/người. |
Mức thưởng bình quân gần 1,8 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết lâu nay tại các trường ở TP.HCM, đặc biệt là các trường THPT luôn là con số bí mật giữa trường này với với trường khác, giữa GV này với GV khác. Ngoài là chuyện "tế nhị" khi so sánh, các trường cũng rất ngại công bố mức thưởng.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 cho biết sở dĩ nhạy cảm vì mức cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào việc quản lý, hoạt động của nhà trường. Vị này phân tích, ngân sách nhà nước không chi cho hoạt động thưởng tết, mà chi trên số lượng học sinh.
Những trường nào gói ghém chi tiêu, kèm thêm những khoản như cho thuê mặt bằng, cho thuê sân bãi buổi tối…thì có thêm thu nhập. Sau khi chi cho những hoạt động, sẽ còn khoản kết dư cuối năm và tùy thành tích lao động, vị trí công việc, GV, nhân viên sẽ được chia bao nhiêu.
Theo hiệu trưởng một trường phổ thông, thưởng tết cao hay thấp ngoài phụ thuộc thêm yếu tố quỹ lương cho GV. Chẳng hạn, cùng một số lượng học sinh được cấp ngân sách chừng đó, nhưng trường nào nhiều GV trẻ thì hệ số lương thấp, quỹ lương vì thế sẽ dôi ra nhiều hơn so với trường có nhiều GV thâm niên.
Nhưng khoản lương không phải là yếu tố quyết định quỹ kết dư, quyết định là ở chỗ trường có chịu dùng ngân sách chi cho các hoạt động vì học sinh hay giữ khư khư để chia cho GV.
Nhiều ý kiến cho rằng thay vì mỗi năm nhắc đến thưởng tết sẽ có người chạnh lòng, người hồ hởi thì nên chăng quy định hẳn có lương tháng 13 cho GV như nhiều ngành nghề khác. Đó cũng là nguồn thu chính đáng mà người lao động xứng đáng được hưởng.
Tác giả: Đặng Trinh
Nguồn tin: Báo Người lao động