Theo trang The Atlantic, tiền không thể mua được tình yêu thương từ tận trái tim nhưng với sự xuất hiện của Family Romance (do anh Ishii Yuchi thành lập), người Nhật giờ có thể mua được sự hiện diện của yêu thương.
Đó là một tình yêu được thuê bằng tiền, có thể không chân thành nhưng lấp được những khoảng trống thiếu sót trong tâm hồn họ.
Bén duyên với công việc kỳ lạ
Family Romance nay đã 8 năm tuổi và trở nên lớn mạnh khi sở hữu 800 nhân viên từ già đến trẻ, có thể giải quyết mọi trường hợp khách hàng yêu cầu.
Trả lời phỏng vấn của The Atlantic, anh Ishii cho biết anh bén duyên với nghề nghiệp kỳ lạ này sau khi nhìn thấy hoàn cảnh của một cô bạn phải làm mẹ đơn thân.
Con của cô ấy là đứa trẻ đáng thương, bị bạn bè xa lánh chỉ vì không có cha. Không bằng lòng trước cảnh đó, anh quyết định đóng giả làm cha cậu bé.
Ishii Yuichi cũng chia sẻ về vai diễn thành công nhất của anh. Đóng giả làm cha một bé gái bị bắt nạt vì chỉ có mẹ, Ishii nhập vai tới nỗi cô bé đến giờ vẫn luôn nghĩ anh là người cha ruột thịt, duy nhất trên cuộc đời.
Vai diễn ấy kéo dài tới tận thời điểm hiện tại. Trong suốt 8 năm dài ròng rã, Ishii chứng kiến đầy đủ quá trình trưởng thành của cô bé và anh cũng cảm nhận được tình cảm sâu đậm cô "con gái hờ" dành cho mình.
Không sớm thì muộn, có một ngày cô bé kia biết được sự thật và có thể sẽ rất thất vọng. Nhưng Ishii cho biết anh sẽ diễn trọn vẹn vai của mình, dù là cả đời, chỉ đến khi khách hàng yêu cầu anh mới dừng lại.
Để có thể nhập vai tốt, Ishii Yuichi thường xem phim để học tập vì bản thân anh vẫn chưa có một gia đình thực sự. Ảnh: Roc Morin. |
Family Romance có thể chữa lành tâm hồn bị tổn thương sâu sắc, nhưng chính nó cũng có thể làm cho một người đang hạnh phúc tột cùng rơi vào bờ vực tuyệt vọng khó thoát.
Vì thế, mỗi khi nhận được lời đề nghị, Ishii Yuichi đều hỏi khách hàng của mình rằng liệu họ đã sẵn sàng để sống cuộc đời như vậy chưa?
Family Romance cũng đề ra nguyên tắc riêng: Mỗi nhân viên chỉ được có tối đa 5 "gia đình'' để khiến khách hàng hài lòng nhất. Cứ như vậy, anh Ishii Yuichi và các đồng nghiệp kiếm được 20.000 yên sau 4 giờ đi chơi, ăn uống cùng "gia đình" của mình.
Dịch vụ thuê người thân
Sống đơn độc, không người thân, họ hàng, người Nhật tìm đến những dịch vụ thuê người thân để được lắng nghe, hiểu cảm giác ấm áp khi có gia đình, bạn bè là thế nào.
Lễ cưới chính là ngày trọng đại nhất trong đời người, cũng là dịp bạn bè, người thân quây quần lại một nơi, chúc cho cô dâu, chú rể mãi mãi hạnh phúc. Nơi đó có lời phát biểu xúc động của nhà trai, nhà gái, có những màn trình diễn vui vẻ của những người bạn thân thiết, những bàn tiệc toàn họ hàng thân thích.
Thế nhưng vì nhiều lý do, người Nhật lại phải thuê người đến dự đám cưới của mình.
Theo Reuters, có thể do khách mời có việc gấp không đến được nên gia đình hai bên đành thuê người đến lấp đầy chỗ trống, hơn nữa có rất nhiều người cảm thấy lo lắng khi bị đem số lượng khách dự đám cưới của mình ra so sánh với đám cưới của đồng nghiệp.
Với mức giá 20.000 yên, công ty sẽ lập tức cử người đến dự đám cưới. Khách hàng cũng có thể trả thêm 5.000 yên cho một tiết mục múa hát, 10.000 yên cho một bài diễn văn đầy tự hào trong lễ cưới.
Thuê người thân là dịch vụ kỳ quái nhưng lại đang phát triển rất nhanh chóng trong xã hội Nhật Bản. Ảnh: Getty. |
Miyabi (27 tuổi) cũng giống như Ishii Yuichi, làm công việc đóng giả bạn bè, người thân của người khác.
"Nhiều người tỏ ra mình sống rất tốt trên mạng, ở nơi làm việc nhưng thực tế lại không như vậy", Miyabi trả lời phỏng vấn của tạp chí AFAR.
Miyabi chia sẻ cô từng hẹn hò giả với một người đàn ông ngoài 30. Thấy cha mẹ quá lo lắng về vấn đề tình cảm của mình, anh thuê cô làm bạn gái để che mắt họ.
Hai người cũng cùng nhau trải qua những khoảnh khắc lãng mạn không khác gì người yêu thật trước khi cuộc giao dịch kết thúc.
"Rất xấu hổ nhưng khi nhìn thấy cha mẹ anh ấy hạnh phúc khi tôi nói tốt về anh, tôi thấy cũng không tệ lắm", Miyabi nói.
Không chỉ là người đến dự đám cưới, bạn trai, bạn gái, cha mẹ, ông bà, nhiều bạn trẻ còn cô đơn tới nỗi phải thuê người chỉ để chụp với mình vài tấm ảnh.
Maki Abe - CEO một công ty làm dịch vụ - này cho biết nhiều người Nhật đang phải trải qua "dịch bệnh" cô đơn. Vì luôn luôn ở một mình, có những nỗi buồn lâu ngày không người chia sẻ, họ mắc kẹt trong nỗi cô độc, giam cầm cảm xúc và không để ai bước vào trái tim họ.
Tác giả: Khánh Linh
Nguồn tin: zing.vn