Kinh tế

Thực phẩm tươi ngon xuất khẩu, loại kém chất lượng... dân ăn

Những sản phẩm nông - ngư nghiệp đạt chất lượng tốt đang hướng tới thị trường xuất khẩu còn các mặt hàng “chẳng theo quy chẩn nào” thì dân ta ăn. Cần phải đặt mục tiêu an toàn, chất lượng lên hàng đầu vì sức khỏe của chính đồng bào mình.

Vẫn lo ngại cá biển ướp phân bón (urê)

Đó là một trong những vấn đề nổi cộm được PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn Thực phẩm TPHCM nêu lên trong cuộc làm việc với các ban ngành liên quan thuộc tỉnh Bình Thuận về vấn đề phối hợp quản lý tiêu thụ nông sản, thủy sản (ngày 12/11).

Nhiều doanh nghiệp lớn không mặn mà với thị trường trong nước

Tại buổi làm việc, các bên liên quan bày tỏ những lo ngại về mặt hàng thủy sản theo phương pháp đánh bắt, khai thác nguồn lợi tự nhiên từ biển và nuôi trồng. Đại diện tỉnh Bình Thuận cho rằng, hiện nay nguồn cá gần bờ đang ngày càng ít đi, muốn đánh bắt được số lượng nhiều ngư dân phải vươn ra khơi xa.

Thực tế, những tàu đánh bắt xa bờ cần phải đầu tư rất bài bản cả về công suất, trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống hầm lạnh trữ đá phục vụ cho việc bảo quản dài ngày trên biển. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để trang bị những con tàu lớn còn hạn chế nên rất ít ngư dân có được những con tàu hiện đại. Thủy sản đánh bắt được nhưng bảo quản không đạt chuẩn nên khi tàu cập bờ thì chất lượng không được ở mức tốt nhất.

Ngoài ra, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận cho rằng: Trước đây, để tiết kiệm chi phí đầu tư khi phải trữ đông đá để ướp cá, nhiều ngư dân dùng urê thay thế. "Đây là vấn đề đã tồn tại, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, chúng tôi đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con, đến nay tình trạng đã giảm, kiểm tra không còn phát hiện nhưng công tác lấy mẫu, test nhanh... vẫn được duy trì liên tục để đảm bảo nguồn cá đánh bắt được từ biển không nhiễm urê, các mặt hàng thủy sản nuôi trông không chứa chất cấm", ông Mai Kiều nói.

Bà Phong Lan (người cầm cá đứng giữa) mong muốn các doanh nghiệp sẽ chú trọng đến thị trường trong nước

Đồng quan điểm trên, PGS Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, cần phải có những giải pháp tuyên truyền vận động bà con nhưng mỗi địa phương cũng phải quyết liệt, triệt để trong công tác giám sát chất lượng nguồn cá biển đánh bắt được và các mặt hàng thực phẩm nói chung. Cá ướp urê hay thịt heo chứa thuốc ngủ, chất kích thích tăng trưởng, rau quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... cần phải xem hành vi này là tội ác.

“Dân ta phải được ăn đồ ngon”

Xét riêng mặt hàng thủy hải sản, mỗi ngày TPHCM tiêu thụ khoảng hơn 1.000 tấn, trong đó khu vực biển Cần Giờ và những điểm nuôi trồng của thành phố cung cấp được khoảng 15% tổng lượng hải sản. Nguồn thủy hải sản còn lại cung cấp cho người dân thành phố được nhập về từ các khu vực khác trên cả nước, chiếm số lượng nhiều nhất là các tỉnh ven biển, trong đó Bình Thuận là tỉnh cung cấp khoảng gần 10% tổng sản lượng.

Ngoài ra, về nông sản đây là địa phương có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất cả nước. Mặt hàng này được xem là đặc sản của Bình Thuận, diện tích trồng hiện đã lên tới hơn 30.000ha. Các tiêu chuẩn về chất lượng của thanh long đã được áp dụng trên những diện tích chuyên canh lớn, cho chất lượng tốt.

Sản phẩm sạch chỉ có giá nhỉnh hơn nhưng giảm được những hệ lụy cho người tiêu dùng

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhiều công ty thu mua thủy hải sản, thu mua thanh long đang hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế khảo sát của Ban quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM cho thấy, các công ty có uy tín, thương hiệu lại không mặn mà với thị trường trong nước. Hầu hết những mặt hàng đạt chất lượng tốt đều hướng tới xuất khẩu, những mặt hàng “dạt lại” của các công ty thủy sản thì được bán cho thị trường trong nước, phục vụ nuôi cá, tôm... tương tự là mặt hàng trái thanh long quả ngon đều được “tuyển” đi ngoại quốc.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, với hơn 10 triệu dân, TPHCM không thua kém bất kỳ một thị trường xuất khẩu nào ở các quốc gia khác. Dân ta phải được ăn đồ ngon và luôn có nhu cầu sử dụng sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn. Do đó, bên cạnh thị trường xuất khẩu cần tiếp tục đẩy mạnh, bà mong muốn các công ty sẽ chú trọng hơn tới nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước. “Đây cũng có thể nói là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sức khỏe chung của cộng đồng”, bà Lan nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cũng nhận định, trên thực tế có một bộ phận bà nội trợ, các công ty, cơ sở sả xuất bếp ăn sẵn vẫn “chuộng” các mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh quyết tâm sẽ siết chặt công tác quản lý, ngăn chặn thực phẩm nguy hại lên bàn ăn, PGS Phong Lan khuyến cáo cộng đồng dù thực phẩm sạch có giá nhỉnh hơn nhưng đừng vì khoản lợi nhỏ trước mắt mà hủy hoại sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Hãy nói không với thực phẩm kém chất lượng.

Tác giả: Vân Sơn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok