Mật hay không mật?
Tại một cuôc hội thảo về các dự án BOT giao thông vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội - cho hay: “Trong hợp đồng BOT, cuối hợp đồng có một bên là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), một bên là chữ ký của các đơn vị liên quan. Tôi đọc thì thấy nhiều chỗ bất hợp lý”.
Chủ tịch Hiệp hội này dẫn chứng, Điều 76 trong hợp đồng BOT có quy định không được tiết lộ thông tin ngoại trừ nhân viên làm việc trực tiếp, ngân hàng và một số đơn vị liên quan...Theo hợp đồng này, những thông tin bảo mật là những thông tin về thương mại, liên quan đến nội dung hợp đồng.
“Tôi cho rằng, điều này trái với quy định. Tại sao hợp đồng kinh tế không đóng dấu mật lại là mật? Hợp đồng không cho ai biết thì làm sao mà giám sát được. Cho nên ở Cai Lậy mới xảy ra như thế, nhiều dự án khác mới có sự phản hồi thiếu tích cực...” - ông Liên nói.
Chính sách BOT được cho là có nhiều tác động tới túi tiền của người dân |
Trên thực tế, hợp đồng BOT là hợp đồng kinh tế, Bộ GTVT đại diện cho người dân ký kết hợp đồng, câu hỏi đặt ra là có cần công khai?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Hợp đồng không đóng đóng dấu mật, cũng không phải là bảo mật”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, hiện chưa có quy định cụ thể nên nếu công khai hợp đồng BOT thì công khai như thế nào? Trong Luật mới về PPP (đối tác công-tư), Bộ GTVT cũng đặt vấn đề có nên điều chỉnh để đưa lên mạng hợp đồng BOT hay không. “Nên nghiên cứu và tôi cho rằng cần thiết” - Thứ trưởng Đông cho biết.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, cần thiết công khai mức phí, hoạt động thu phí. Còn việc công bố tất cả hợp đồng hay không cũng không có quy định, nhưng hàng tỷ hợp đồng mà cứ phải đưa lên mạng thì cũng rất là khó.
Không chấp nhận chính sách BOT gây... hại!
Tại buổi tọa đàm “BOT - Chính sách và giải pháp” do Trung tâm Trọng tại Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và Phát triển (Viện PLD) ngày 8/9 ở Hà Nội, ông Nguyễn Phước Thọ - Vụ phó Vụ Chính sách Văn phòng Chính phủ - tỏ ra nghi ngờ về những vấn đề đang đặt ra đối với chính sách BOT.
“Tôi không phải nhà kinh tế, nhưng nghe các ý kiến cũng thấy hoang mang. Hình như chính sách BOT của chúng ta là không đúng. Tôi nghi ngờ một chính sách thực hiện hàng chục năm như chính sách xã hội hoá mà nói là chính sách ngành. Mình nhìn con mắt quá tiêu cực, thì không hẳn” - ông Thọ bày tỏ.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang cạn kiệt, hình thức BOT được áp dụng cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông |
Đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng, BOT có những thành tựu nhất định và chúng ta cần ghi nhận. Nhưng hiện nay, từ nhận thức, quan niệm đến đánh giá chủ trương đều không đạt mục tiêu, đều có vấn đề.
“Đây là vấn đề lớn, chúng ta cần nhìn lại. Dưới góc độ pháp lý, nếu cứ để thế này từ mặt nhận thức đến chính sách là không ổn lẳm. Không ai mà chấp nhận chinh sách BOT mà gây gại cho quốc gia, cho đất nước” - ông Thọ nhấn mạnh.
Trong khi đó, Luật sự Nguyễn Đình Chiến - Chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội - nêu quan điểm: BOT giao thông mang lại lợi ích kinh tế xã hội. Giao thông tốt, đời sống dân sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng vấn đề liên quan đến nhà thầu, chỉ định hay thực hiện theo quy trình đúng luật hay không?
“BOT tác động trực tiếp vào túi tiền người dân nghèo. Vậy BOT đang lệch ở đâu, đang chưa chuẩn hoá từ chỗ nào, cần phải làm rõ” - Luật sư Nguyễn Đình Chiến nói.
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu - chuyên gia về ngân hàng - đưa ra ý kiến: “Tôi sợ rằng, nếu Chính phủ không có giải pháp hiệu quả thì chương trình BOT tương lai sẽ không có hiệu quả, sẽ gặp vấn đề về ngân sách như tham nhũng, hối lộ... BOT là một công cụ để phát triển kinh tế, nhưng nếu không được làm rõ thì sẽ dễ thất bại”.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí