Thể thao

Thừa nhận bạo lực V.League một thời là niềm tự hào

V.League hiện nay ngoài vấn nạn trọng tài thì việc chơi xấu, thậm chí là triệt hạ đối phương cũng đang xảy ra nhiều giữa các đội bóng với nhau.

Như tình huống vào bóng của Sầm Ngọc Đức dành cho Phan Văn Đức, những cú ra chân của cầu thủ Khánh Hòa trong trận gặp HAGL hay chấn thương rùng rợn của Dương Văn Hào ở giải hạng Nhất, tất cả đã phủ một màu tối lên bức tranh chuyên nghiệp 2018.

Nhưng sự việc này có lẽ bắt nguồn từ thế hệ trước, những thế hệ đã coi việc đá láo là niềm tự hào của mình. Cựu tiền vệ U23 Việt Nam - Lê Quốc Vượng mới đây đã khẳng định điều này, theo Quốc Vượng, ở thế hệ của anh từng có nhiều người tự hào vì "ăn chân", vì làm đau người khác.

Có nhiều cầu thủ ngày xưa ra sân bảo nhau 'Ô, hôm nay tao đá cho thằng kia đau mà trọng tài không biết'.

"Thời chúng tôi còn đá, ai cũng sợ SLNA không phải vì chúng tôi đá láo mà bởi họ biết nếu họ đá láo với chúng tôi, nếu có ai đó ở SLNA bị đau thì bằng mọi giá, cả đội chứ không chỉ người bị phạm lỗi sẽ “trả đũa” bằng được.

Chúng tôi sẽ trả lại không hề nhẹ, không chỉ một lần, không chỉ một trận. Đó là tinh thần đoàn kết của SLNA từng khiến các đối thủ nể sợ", cựu tiền vệ U23 Việt Nam cho hay.

Cựu tiền vệ Lê Quốc Vượng cho rằng thời của mình từng có người tự hào vì đá xấu.


Chính vì sự tự hào của thế hệ trước mà đến nay, V.league vẫn đang lưu giữ nó như một món đặc sản không thế thiếu của giải đấu quốc nội.

Trước những điều này, cựu tiền vệ Quốc Vượng mong rằng thế hệ bây giờ nên thay đổi tư duy, và không nên chơi đá láo.

"Khi mình bị người ta đá, mình cứ chăm chăm trả đũa thì mình sẽ không tập trung được vào chuyên môn trận đấu. Thay vì thế, mình cứ suy nghĩ và phát triển chuyên môn thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Chúng ta tôn trọng nhau thì chính ta sẽ chơi bóng được lâu hơn, bóng đá Việt Nam tốt hơn, tuổi nghề của ta sẽ dài hơn", cựu tiền vệ Quốc Vượng chia sẻ.

Lời cảnh tỉnh không khiến V.League hết đá láo

Cựu tiền vệ U23 Việt Nam mong đàn em thay đổi tư duy, không đá láo, nhưng sự mong mỏi này có thành hiện thực hay không là một điều có lẽ rất xa vời.

Hiện nay khi nhắc đến V.League hẳn nhiều người nghĩ ngay đến bạo lực sân cỏ, đến chuyện các cầu thủ chơi xấu, triệt hạ nhau. Thậm chí V.League còn được gắn mác là một võ đài bóng đá.

Đã từng có nhiều lời nhắc nhở của các thế hệ đàn anh đi trước, hay chính các cầu thủ khi còn thi đấu cũng lên tiếng mong rằng bóng đá Việt Nam không còn cảnh bạo lực.

Tình huống Phan Văn Đức (áo trắng) va chạm với Đinh Tiến Thành trong trận SLNA gặp Thanh Hóa tại V.League 2018.

Như HLV Lê Huỳnh Đức của SHB Đà Nẵng từng nói: "Làm cầu thủ, các bạn phải biết tôn trọng và yêu quý đôi chân của nhau. Các bạn cầu thủ chắc chắn ý thức được rằng đôi chân là tài sản quý giá nhất của mình cũng như đối phương. Đôi chân là thứ để giúp cầu thủ kiếm cơm cơ mà. Tại sao ra sân các bạn lại phải sát phạt nhau, lao vào nhau, đá nhau đến gãy chân như vậy".

Hay như Tiền đạo Tạ Thái Học (HAGL), người từng bị Thanh Hùng vào bóng bằng gầm giày khiến chân Học gãy làm đôi hồi năm 2011, trong một trận đấu thuộc khuôn khổ V.League giữa chủ nhà HAGL với K.Khánh Hòa trên sân Pleiku.

Là một nạn nhân của bạo lực ở V.League, tiền đạo của đội bóng phố Núi đưa ra lời khuyên rằng các cầu thủ nên hạn chế vào bóng thô bạo ở những tình huống không đáng.

"Với những người theo nghiệp “quần đùi áo số” thì đôi chân chính là “cần câu cơm”, là “cuộc sống” của mỗi người. Việc vào bóng thô bạo không chỉ khiến đồng nghiệp của mình phải đau đớn, phải nghỉ thi đấu, thậm chí nếu nghiêm trọng sẽ khiến họ từ giã sân cỏ, mà còn hại chính bản thân mình. Tôi muốn các cầu thủ hãy coi đôi chân của đồng nghiệp như đôi chân của chính mình!", Thái Học cho hay.

Những trường hợp chấn thương, những lời khuyên từ thế hệ trước, nhưng lạ thay dường như nó không hữu ích ở sân chơi V.League này bởi những hành động xấu xí giữa các cầu thủ vẫn liên tục xảy ra.

Tác giả: Xuân Dũng

Nguồn tin: Báo Đất việt

  Từ khóa: bạo lực , V.League

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok