Kinh tế

Thua lỗ nghìn tỷ tại PvTex, vẫn liên tục thăng tiến: Những lỗ hổng chết người

Những vấn đề trong kinh doanh của PVTex dưới thời Tổng giám đốc Vũ Đình Duy khiến DN này đến nay đã lỗ lũy kế 3.080 tỷ đồng. Tình hình tài chính của công ty đang cạn kiệt, mất cân đối và không đủ nguồn vốn lưu động để vận hành Nhà máy. Nhưng đến nay vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm về khoản thua lỗ tại nhà máy đầu tư tới 7.000 tỷ đồng và phải đối mặt với tình trạng đắp chiếu chờ…phá sản?

Minh họa: Khều.


Biết “chết” ngay khi chuẩn bị hoạt động?

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, cái chết của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ được dự báo khá sớm sau khi dự án đi vào hoạt động được ít lâu. Chỉ ít tháng sau khi nhà máy vận hành và phải liên tiếp dừng hoạt động, trong một báo cáo gửi Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), lãnh đạo Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) thừa nhận việc nhà máy phải tạm ngừng hoạt động, phải trả giá vì đã đầu tư kiểu “đếm cua trong lỗ”, không lường được hết khó khăn khi lấn sân từ lĩnh vực dầu khí sang làm “công nghiệp phụ trợ” cho dệt may.

“Nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả của dự án giảm khi đưa vào vận hành thương mại là do định mức và chi phí vận hành thực tế tăng hơn so với tính toán trong báo cáo tiền khả thi, năng lực vận hành còn hạn chế nên chất lượng sản phẩm chưa ổn định, uy tín thương hiệu thấp và thị trường xấu giá nguyên liệu, tiện ích và sản phẩm thay đổi ngược lại với tính toán”, lãnh đạo PVTex thừa nhận.

Cùng với bản báo cáo này là một viễn cảnh xấu về tình hình kinh doanh của PVTex đã được dự báo. Theo đó, chỉ sau 7 tháng vận hành chỉ với 48% công suất, đến cuối năm 2014, nhà máy đã bị lỗ 992 tỷ đồng và không bù đủ biến phí, tổng lỗ của công ty lên tới 1.085 tỷ đồng.

Các số liệu cũng cho thấy rất nhiều thông số dự báo trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đều bị dự báo sai, kéo theo những khoản chi phí chênh lệch rất lớn so với tính toán.

Cụ thể chi phí điện cả năm theo báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ tốn khoảng 4,69 triệu USD, nhưng thực tế lên tới 12 triệu USD; chi phí hóa chất, phụ liệu khác phục vụ sản xuất theo tính toán chỉ vào khoản 500.000 USD song chi phí thực tế lên tới 11 triệu USD. Các chi phí khác như nhiên liệu, chi phí nhân công đều tăng 1,5 - 3 lần.

Ngay cả dự báo về nhân lực cho nhà máy (dự kiến ban đầu chỉ cần khoảng 500 nhân viên là đủ để vận hành) nhưng thực tế nhà máy phải sử dụng tới 1.000 nhân viên trong khi chất lượng sản phẩm đầu ra không được đảm bảo.

Đáng chú ý, các tính toán về khả năng thu hồi vốn cũng được dự báo sai 100% (dự báo ban đầu sẽ thu hồi vốn trong 8 năm 8 tháng, nhưng khi vận hành nhà máy, tính toán lại thì phải mất tới 22 năm 10 tháng mới thu hồi được vốn).

Báo cáo mới nhất của PVTex gửi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, PVTex đã xuất bán được 1.467 tấn xơ sơ, kinh doanh 13.290 tấn đạm ure và 300 tấn PP. Đáng chú ý, nguồn vốn chủ sở hữu của PVTex ngày càng sụt giảm do lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến 30/6/2016, vốn chủ sở hữu đã bị âm 823,1 tỷ đồng, lỗ lũy kế của nhà máy đã hơn 3.008 tỷ đồng.

Lễ ký Chứng chỉ Nghiệm thu sơ bộ Nhà máy Polyester Đình Vũ sáng 14/3/2014 với sự tham dự của ông Vũ Đình Duy (ngồi giữa). Ảnh: Hoàng Tuấn.


Ưu đãi vẫn không hết khó

Trước viễn cảnh xấu của dự án, Ngày 1/7/2015, Hội đồng thành viên PVN đã phải họp khẩn và ra Biên bản số 4419/BB-DKVN chấp thuận cho PVTex lỗ kế hoạch trong 3 năm đầu đi vào vận hành thương mại. Cũng nhờ việc điều chỉnh kế hoạch này, lãnh đạo PVTex sau đó đã xây dựng kế hoạch sản xuất 5 năm (2014-2018) với mục tiêu đến tận tháng 8/2018 mới đủ bù biến phí và định phí (chi phí biến động và cố định của nhà máy).

Về những khó khăn của dự án, trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương vào tháng 5/2015, lãnh đạo PVN cho biết, PVTex đang gặp rất nhiều khó khăn. Để thực hiện sản xuất kinh doanh, công ty phải dùng nguồn vốn lưu động là tiền từ các hợp đồng vay ngắn hạn (vay nóng) từ các ngân hàng. Mỗi tấn sản phẩm sản xuất ra bị lỗ tới 3,34 triệu đồng.

Báo cáo của PVTex thời điểm này cũng thừa nhận việc các doanh nghiệp trong nước đã quen dùng khoảng 70% nguyên liệu nhập khẩu từ Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc và các DN ngoại đã có sản lượng cố định vững chắc ở thị trường nội địa đã khiến PVTex không có cửa cạnh tranh.

Để cứu “công ty cháu”, PVN đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ miễn giảm thuế giá trị gia tăng; miễn giảm chi phí điện, nước, chi phí thuê đất, chi phí quản lý, xử lý nước thải của Khu công nghiệp Đình Vũ với PVTex trong hai năm, Bộ Tài chính nâng thuế mặt hàng xơ polyester từ 0% lên 2% đồng thời cho phép xây dựng cơ chế tiêu thụ sản phẩm trong nước theo hướng vận động các doanh nghiệp dệt may nội “ưu tiên sử dụng các sản phẩm của PVTex”. Dù có nhiều ưu đãi được đưa ra nhưng Bộ Công Thương cũng phải nhận định dự án có nguy cơ bị phá sản nếu không được cứu kịp thời.

Bán thu hồi vốn, truy trách nhiệm người gây thua lỗ

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho rằng, việc xơ sợi Đình Vũ phải trả giá, không bán được hàng xuất phát từ việc đầu tư thiếu tầm nhìn, thiếu chiến lược. Việc đầu tư sản xuất xơ sợi đòi hỏi công nghệ cao, kinh nghiệm và độ ổn định rất lớn về chất lượng sản phẩm.

Ở các nước hay ngay như ở Trung Quốc, họ cũng phải trả giá rất nhiều mới nắm giữ được bí quyết, sở hữu được công nghệ và kiểm soát được chất lượng sản phẩm sản xuất ra. “Với sản xuất xơ sợi, lô hàng này tốt nhưng lô sau không tốt là trả giá ngay. Như ở các nước để làm xơ sợi, DN phải là người đi mua rồi sau đó mới tiến đầu tư sản xuất thì mới nắm được cần làm gì, sản xuất thế nào và có chuỗi tiêu thụ.

Vấn đề là PVTex có thiết bị chuẩn nhưng “người lái”, điều hành vớ vẩn thì vẫn chết”, ông Tuấn cho biết. Cũng theo đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, PVTex “chết” cũng một phần do quy mô đầu tư nhỏ, khó có thể cạnh tranh về quy mô với ngay đối thủ láng giềng là Trung Quốc.

Một chuyên gia có tên tuổi trong ngành dệt may khẳng định, với tình trạng của nhà máy hiện nay, phải chấp nhận việc bán rẻ nhà máy còn hơn để đắp chiếu.

“Bộ Công Thương, các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành đã vào cuộc giúp đỡ rồi nhưng giải pháp về lâu dài để cứu nhà máy thật sự là khó”, vị này cho biết và nêu quan điểm cần làm rõ toàn bộ quá trình đầu tư cũng như công nghệ của nhà máy có vấn đề gì không.

“Giúp nhau nhưng tôi cũng phải sống, không thể giúp mãi được. Đầu tư kiểu tay ngang thế này thì thua lỗ cũng dễ hiểu. Vấn đề cần làm rõ là ai sẽ là người chịu trách nhiệm về các thua lỗ này. Cần làm rõ trách nhiệm của các lãnh đạo của ông Vũ Đình Duy khi làm Tổng giám đốc PVTex cũng như các cấp cao hơn trong việc phê duyệt dự án này”, ông đề xuất.

Để giải cứu PVTex, lãnh đạo PVN đã phải 3 lần thay lãnh đạo đơn vị, trong đó đáng chú ý nhất chính là việc ông Vũ Đình Duy (người là phó tổng giám đốc PVTex rồi sau đó là Tổng giám đốc trong gần 5 năm đã bị thay giữa dòng, chỉ vài tuần sau khi lễ ký bàn giao nghiệm thu nhà máy). Ông Duy sau khi rời PVTex trong 2 năm sau đó liên tục thăng tiến tại Bộ Công Thương.

Tác giả bài viết: Phạm Tuyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok