|
Vùng đất Bảy Núi (An Giang) nổi tiếng với nhiều loại đặc sản hiếm có khó tìm, hương vị độc lạ, trong đó phải kể tới con bọ rầy.
Bọ rầy là "phiên bản" trưởng thành của đuông đất - loài sinh sôi nảy nở khi những trận mưa đầu tiên ngấm vào đất, cây cỏ bắt đầu vươn lên tìm nguồn sống. Đuông đất sống trong lòng đất, nhưng mưa xuống là chui lên và được gọi là bọ rầy. Loài côn trùng này có hình dạng giống bọ hung, nhưng to cỡ ngón tay cái người lớn. Cánh, đầu và chân bọ rầy rất cứng nhưng thân lại mềm và tròn. Chúng có màu nâu, giống gián đất, nhưng thân ngắn hơn.
Dù có vẻ ngoài đáng sợ nhưng nếu một lần lấy can đảm để thử, bạn sẽ thấy loài côn trùng này có hương vị riêng, khá thơm ngon. Vì vậy, những năm gần đây bọ rầy trở thành món ăn khoái khẩu cho những ai yêu thích đặc sản vùng miền.
Theo tìm hiểu, bọ rầy là một loài bọ cánh cứng, được tìm thấy nhiều nhất ở vùng Bảy Núi, thuộc hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang).
|
Bọ rầy sinh sôi với số lượng lớn vào đầu mùa mưa và kéo dài trong khoảng 1 tháng. Thời điểm này thường là tháng 4-5 âm lịch, tùy năm mưa sớm hay muộn. Vào khoảng thời gian này, cây cối đâm chồi nẩy lộc, đuông đất từ dưới lòng đất chui lên, trưởng thành và biến thành bọ rầy tìm đến các ngọn cây để sinh sống.
Trước kia bọ rầy được coi là loại côn trùng có hại cho nhà nông vì chúng thường hay cắn phá các đọt non, nhất là ở cây xoài, cây dâu, cây điều... Nhưng gần đây, bà con vùng biên giới đã khám phá ra cách chiên bọ rầy, biến loài côn trùng này món ăn thơm ngon và béo bổ. Từ đó, nhiều người tìm cách săn bắt để chế biến bọ rầy thành món ngon độc đáo.
|
Chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống, anh Hưng (ở Bảy Núi) cho biết: "Trước đây chỉ có người dân địa phương đi bắt bọ rầy về chế biến món ăn. Những năm gần đây, loài này được biết đến nhiều hơn, khách du lịch và dân nhậu rất thích hương vị của bọ rầy nên đặt mua tới tấp, dân bắt được đến đâu bán hết đến đó.
Thời điểm tháng 4-5 âm lịch, khi xuất hiện lác đác những cơn mưa đầu mùa, cây rừng đâm chồi, nảy lộc xanh tốt nên bọ rầy sinh sôi nảy nở nhiều vô kể. Bọ rầy sống lẩn khuất trên những chồi lá xoài, điều, mít… để ăn đọt non. Con nào con nấy mập ú. Sau khi bắt xong, người dân sẽ bán lại cho các nhà hàng, quán nhậu, hoặc mang ra chợ bán cho người dân địa phương hoặc du khách".
Theo khảo sát, tại các chợ và nhà hàng ở Tri Tôn, bọ rầy được bán với giá đắt đỏ, thời điểm khan hiếm giá có thể lên tới 300.000 đồng/kg. Vì loài này chỉ có trong vòng 1 tháng và số lượng bắt được không nhiều nên luôn trong tình trạng hết hàng, phải đặt trước mới mua được.
Theo anh Hưng, bọ rầy là loài ưa ánh sáng, khi thấy ánh sáng chúng sẽ bay và rơi ngổn ngang dưới đất. Vì thế, khi đi săn bọ rầy, người dân chỉ cần mang một chiếc đèn bình thật sáng là có thể bắt được. Cũng có người dùng phân bò, phân trâu khô đốt cho khói tỏa lan ra khiến cho bọ rầy say khói, bay loạn xạ rớt xuống đất, chỉ cần nhặt cho vào túi.
|
Theo Dân Việt, để chế biến bọ rầy, người ta móc bỏ phần đít, moi ruột, đem rửa sạch bằng nước muối pha loãng rồi để ráo. Cách ăn đơn giản nhất là đem chiên hoặc xào. Người cầu kỳ hơn sẽ dồn thịt ba chỉ băm nhuyễn hay nhét thêm đậu phộng vào con bọ rầy rồi đem chiên giòn rồi ăn kèm với rau sống, đảm bảo ngon bá cháy!
Mấy năm gần đây, cứ đến mùa, người dân ở Bảy Núi, cả người lớn và trẻ nhỏ gọi nhau đi "săn" bọ rầy. Ở An Giang, du khách có thể tìm mua bọ rầy tại các chợ Nhà Bàng, chợ Văn Giáo, An Hảo hay chợ thị trấn Tịnh Biên và các chợ miền núi huyện Tri Tôn.
Tác giả: Minh Hoa (t/h)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn