Du lịch

Thú vui câu cá trên “dòng sông băng” của mùa đông nước Nga

Khi thời tiết trở nên lạnh giá, nhiều người đã đến với những dòng sông đóng băng để câu cá- một trong những thú vui đặc biệt của người Nga vào mùa đông.

Nước Nga đang ở vào thời điểm lạnh nhất trong năm (tháng 1, tháng 2). Nhiệt độ có lúc xuống tới âm 30 độ C. Những con sông lớn, nhỏ của nước Nga chỉ sau mươi, mười lăm ngày nhiệt độ xuống thấp sẽ trở thành một “dòng sông băng”, có chỗ rộng thênh thang. Người dân Nga làm gì trong những ngày đông giá khắc nghiệt này.

Năm nay mùa đông đến sớm với nước Nga và chỉ vào đầu tháng 12/2016 thì nhiều hồ lớn, nhỏ, nhiều dòng sông, trong đó có cả dòng sông lớn mang tên “Tsna” chảy qua thành phố Tambov, thành phố được lấy là “Thủ đô Năm mới của nước Nga 2017”, đã đóng băng cứng dày hàng chục cm.

Nhiều hồ lớn, nhỏ, nhiều dòng sông lớn ở nước Nga đã đóng băng cứng dày hàng chục cm.
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt là dịp nghỉ lễ đón Năm mới kéo dài cả chục ngày… nhiều người đã đến với “dòng sông băng” Tsna, đoạn phình ra rộng nhất như cả một mặt hồ lớn, trượt tuyết, trượt băng… Đặc biệt, một thú vui lớn nhất của nhiều người Nga trong mùa đông là câu cá trên “dòng sông băng”.

Trên dòng sông mang tên Tsna đoạn phình rộng như mặt hồ, nhìn từ xa thấy lấm tấm những “đốm” người ngồi bất động cả giờ đồng hồ để câu cá từ những lỗ nhỏ có đường kính chừng 7 phân, được khoan xuyên qua lớp băng dày.

Không biết đã ngồi đây từ lúc nào mà một người đàn ông đã câu được 7 con cá, dù không phải là cá to. Chúng tôi quan sát và tiến đến làm quen. Rất cởi mở, ông cho biết: “Tôi là Kostantin, giảng viên của Trường Đại học Bách khoa Quốc gia Tambov. Tôi thường hay đi câu cá như thế này là vào ngày nghỉ cuối tuần. Đây là hoạt động vào mùa đông mà tôi rất thích. Bởi vì đó không chỉ là câu cá mà tôi có một khoảng thời gian thực sự thoáng đãng với không gian ngoài trời”.
Ông Kostantin, giảng viên của Trường Đại học Bách khoa Quốc gia Tambov, đi câu cá trên dòng sông băng.
Nói rồi, ông giới thiệu cho chúng tôi cách khoan lỗ băng bằng một chiếc khoan tay. Dẫu tầng băng lúc này đã hơn 15 cm rồi, nhưng ông làm một cách nhẹ nhàng và rất nhanh nhẹn, ông múc dọn sạch băng vụn tạo thành một hố nước trong suốt, móc mồi câu, ròng dây câu xuống đáy sông và nhử cá để cá cắn câu.

Các thao tác chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng việc câu được nhiều hay ít cá phụ thuộc vào cả thời tiết và cả kinh nghiệm của mỗi người câu cá. Ngày hôm ấy, ông câu được 7 con nhưng toàn cá nhỏ. Ông giải thích vì thời tiết hôm đó thay đổi, nhiệt độ hôm trước lạnh dưới 0 độ nhiều, hôm sau đã tăng lên trên 0 độ khiến áp suất cũng thay đổi và cá không bơi đi kiếm ăn nhiều.

Chăm chú với thú vui câu cá trên sông băng.
Ông Kostantin cho biết việc câu cá là một thú vui bởi tới đây mọi người có thể tĩnh tâm với một công việc đòi hỏi sự kiên trì. Họ biết được cả đặc tính của từng loài cá, cách câu cá… Họ có được những phút giây thực sự thoải mái. Đôi khi những người có cùng sở thích ấy còn rủ nhau đi xa, ra hẳn những vùng ngoại ô thành phố để câu cá trên những con sông lớn. Và những hôm như vậy, họ đi từ sáng sớm đến chiều tối. Đối với họ, việc câu được cá hay không không quan trọng, nhưng khi câu được cá cũng là điều may mắn, thú vị.

Nói về sở thích của những người Nga khi mùa đông lạnh giá bao trùm và kéo dài nhiều tháng, đã trở thành nét văn hóa, truyền thống đẹp, ông Kostantin còn khẳng định về những lợi ích của hoạt động này: “Làm thế này rất có lợi bởi trước hết là chúng ta được hít thở không khí trong lành, thứ hai là được cùng giao lưu, trò chuyện với những người bạn… Câu cá trên sông băng đã thành một nét văn hóa. Nếu đi có câu được cá cũng tốt mà không câu được thì cũng không sao cả. Đây không phải là “nguồn sống” mà nó chỉ đơn giản là sở thích của chúng tôi”.

Cảnh đẹp kì thú của dòng sông băng nước Nga.
Và như thế, mùa đông của Nga không còn là khắc nghiệt đối với những ai thích đi trượt tuyết, câu cá trên băng. Cả dòng sông đã trở thành mặt băng, tuyết trắng xóa, mênh mang để tất cả mọi người có thể đến đây câu cá, trượt tuyết, trượt băng… Và đó là mùa đông nước Nga./.

Tác giả bài viết: Điệp Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok