Trẻ em đọc sách tại Phòng đọc sách Thư viện Đà Nẵng |
Hiện đại hóa hệ thống thư viện
Theo đó, hệ thống thư viện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục kiện toàn, củng cố và hiện đại hóa hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách dành cho thiếu nhi (cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với đặc thù, tâm sinh lý và lứa tuổi; bố trí cán bộ chuyên trách, có kinh nghiệm và kỹ năng phục vụ thiếu nhi).
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng vốn tài liệu dành cho thiếu nhi, tăng tỷ lệ sách thiếu nhi trong tổng vốn tài liệu của thư viện, chú trọng bổ sung sách tham khảo, sách văn học và sách hướng dẫn kỹ năng sống; tăng cường phục vụ lưu động và luân chuyển sách, báo phục vụ thiếu nhi.
Đồng thời, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức và cung cấp dịch vụ thư viện phục vụ thiếu nhi: Triển khai các dịch vụ mới và làm mới các dịch vụ truyền thống, chú trọng phát triển các dịch vụ tăng cường hỗ trợ học tập và kỹ năng sống cho thiếu nhi; hướng dẫn kỹ năng sử dụng thư viện, kỹ năng và phương pháp đọc sách, báo phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ bạn đọc theo chủ đề, câu lạc bộ đọc sách cùng em; các buổi sinh hoạt, tọa đàm, giới thiệu sách, cuộc thi, lựa chọn đại sứ văn hóa đọc… phù hợp với lứa tuổi.
Sáng tạo, linh hoạt trong việc tạo không gian, môi trường văn hóa thân thiện, sân chơi bổ ích và lý thú cho thiếu nhi đọc và học phù hợp với thời gian học tập, đặc biệt thời gian nghỉ hè.
Phòng đọc sách tại thư viện Đà Nẵng. |
Phối hợp chặt chẽ các cơ quan, ban ngành
Sở Văn hóa các tỉnh cũng cần chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức khác trên địa bàn để tổ chức công tác phục vụ thiếu nhi đạt hiệu quả và hiệu ứng xã hội tốt hơn: Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường hiệu quả hoạt động của thư viện trong nhà trường phù hợp với chủ đề năm học; tổ chức các mô hình mới như thư viện xanh, túi sách, tủ sách lớp học…; triển khai Tiết đọc thư viện tại tất cả các trường thuộc các cấp học; luân chuyển sách báo, mượn liên thư viện giữa các trường học với nhau và với thư viện công cộng trên địa bàn; xây dựng các chương trình, tiết học ngoại khóa tại thư viện…
Phối hợp với ngành Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách qua đài phát thanh, truyền hình; luân chuyển sách, báo và tổ chức phục vụ tại các điểm Bưu điện-Văn hóa xã nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin, văn hoá của thiếu nhi vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa;
Tăng cường liên kết, phối hợp với cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể khai thác có hiệu quả các thiết chế cơ sở khác (tủ sách từ chương trình sách hóa nông thôn, thư viện trong các trung tâm học tập cộng đồng, tủ sách, thư viện của các tổ chức tôn giáo có phục vụ cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, tủ sách gia đình dòng họ, câu lạc bộ yêu sách tại địa phương,…) để phục vụ thiếu nhi, đặc biệt chú trọng tới đối tượng trẻ em không có điều kiện đến trường, trẻ em khuyết tật; rà soát, tăng cường tổ chức lồng ghép hoạt động phục vụ thiếu nhi trên các tuyến biên giới, biển đảo theo Chương trình phối hợp số 5486A/CTPH-BVHTTDL-BTLBP ngày 22/12/2017 giữa Bộ VHTTDL và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới, biển đảo, giai đoạn 2017-2022”;
Thực hiện tốt công tác xã hội hoá để huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ cho việc duy trì, phát triển văn hoá đọc cho thiếu nhi.
Việc tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ thiếu nhi là nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin theo quy định tại Luật trẻ em số 102/2016/QH13 và triển khai có hiệu quả các đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tác giả: Minh Ước
Nguồn tin: Báo Công luận