Chiều 29/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo và Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực. Gợi ý thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh Nghị quyết 29 của Trung ương đã chỉ rõ những định hướng, mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, do đó “trách nhiệm của chúng ta là phải có kế hoạch dài hạn và bước đi phù hợp thực hiện Nghị quyết quan trọng này”.
Thủ tướng điểm lại một số thành tích nổi bật thời gian qua, như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD công bố tại kỳ đánh giá 2015, học sinh Việt Nam xếp thứ 8 trên 70 nước về khoa học, đứng thứ 22/70 về toán học và 32/72 về đọc hiểu. Tuy nhiên, ông trăn trở: "Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao đánh giá như vậy nhưng thứ hạng của các đại học Việt Nam rất thấp trong khu vực, đặc biệt là nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, hay cạnh tranh thị trường lao động trong khu vực và quốc tế”.
4 vấn đề giáo dục đào tạo
Thủ tướng đề nghị đại biểu tập trung thảo luận đầu tiên về công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp đội ngũ giáo viên, về tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cục bộ. Việc quy hoạch hệ thống trường sư phạm và đầu vào ngành sư phạm như thế nào khi thời gian qua có nhiều ý kiến đặt ra về việc sắp xếp chưa tốt đội ngũ giáo viên, kể cả phẩm chất, tư cách người thầy.
Vấn đề thứ hai là việc xây dựng chương trình sách giáo khoa phổ thông mới. Thủ tướng đề nghị đại biểu cho ý kiến về việc giảm tải chương trình, đổi mới thi, đánh giá chất lượng, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của địa phương để triển khai chương trình sách giáo khoa mới.
Nêu vấn đề nữa về tự chủ đại học, Thủ tướng cho biết, hiện nay có 26 trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ. Nhiều cơ sở đã kiểm định chất lượng, tham gia đánh giá xếp hạng quốc tế. “Tuy nhiên, cần có cách hiểu đúng đắn, thống nhất về tự chủ đại học”, Thủ tướng đề nghị thảo luận về các mức độ tự chủ được diễn giải như thế nào trong bối cảnh đất nước hiện nay.
Vấn đề thứ tư Thủ tướng đề nghị thảo luận là việc công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư khi thời gian qua còn một số hạn chế, gây dư luận trong xã hội. Hội đồng chức danh giáo sư các cấp phải hoạt động hiệu quả hơn, bảo đảm chất lượng, quy trình chặt chẽ, minh bạch.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về cơ chế của hội đồng xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, về quy trình xét duyệt; ý kiến cho rằng giáo sư, phó giáo sư là chức danh nghề nghiệp gắn với công việc cụ thể ở đại học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự cuộc họp. Ảnh: VGP |
Giáo sư cũng phải học
Nhất trí với nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về tinh thần học tập suốt đời, kể cả với giáo sư, Thủ tướng cho rằng vấn đề này rất quan trọng khi hiện nay còn sự trì trệ trong bộ máy. "Không phấn đấu, không học tập, không xông pha trong công việc để rèn luyện, trưởng thành, chỉ bổn cũ chép lại, ngày hôm qua giống ngày hôm nay thì đất nước khó phát triển”, ông nói.
Tại phiên họp, các đại biểu đều nói về việc quy hoạch lại trường sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, kể cả đầu vào, chính sách, chế độ cho giáo viên, tôn vinh người thầy, đổi mới phương pháp giảng dạy.
Đồng tình với ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết, GS Nguyễn Văn Minh (Đại học Sư phạm Hà Nội) về việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên định kỳ, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát triển đội ngũ giáo viên và cơ sở đào tạo giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên tiếp thu cái mới. Giáo viên quyết định đến chất lượng giáo dục đào tạo, cần được chú trọng, quan tâm.
Đưa khởi nghiệp vào chương trình đại học
Cho rằng khởi nghiệp là vấn đề quan trọng, Thủ tướng đề nghị cần sớm đưa vào chương trình giảng dạy của các trường. Ươm mầm khởi nghiệp trong đại học là một mục tiêu của đại học.
Về xét phong hàm giáo sư, phó giáo sư, Thủ tướng nhất trí với các đại biểu cần chặt chẽ hơn trong xét duyệt, rõ ràng hơn về tiêu chí, không hạ chất lượng các tiêu chí mà có nhiều ý kiến còn đề nghị nâng tiêu chí. Bên cạnh đó, tăng cường minh bạch, công khai và phấn đấu làm sao tiếp cận sớm, lộ trình nhanh hơn trong hội nhập quốc tế về vấn đề này.
Về tự chủ giáo dục đại học, Thủ tướng lưu ý cách làm chặt chẽ để không gây rối loạn, nhảy từ cực này sang cực kia. Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao tổng hợp, nghiên cứu đề xuất để cách hiểu, cách chỉ đạo thống nhất hơn trên tinh thần là hướng tới tiếp cận mới về tự chủ đại học với cách làm phù hợp ở Việt Nam. Trong đó có tự chủ về học thuật, về tổ chức bộ máy, tài chính. Thủ tướng nêu rõ, tự chủ tài chính không có nghĩa là nhà nước không đầu tư nữa.
Về vấn đề sách giáo khoa, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trình Thủ tướng ký ban hành trong tháng 6.
Tác giả: Xuân Hoa
Nguồn tin: Báo VnExpress