Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 tối ngày 18-5 |
Tối ngày 18-5, tại TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì hội nghị.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết địa phương là tỉnh có đầy đủ 3 vùng kinh tế trung du miền núi, đồng bằng và ven biển. Trong những năm qua, để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội, Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo môi trường tốt nhất thu hút đầu tư.
Thủ tướng thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa |
Để chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hợp tác với Công ty tư vấn BCG (Mỹ) điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; Thanh Hóa thống nhất lựa chọn 5 lĩnh vực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, hội tụ các điều kiện để phát triển bền vững.
Tại Hội nghị này có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỉ đồng (tương đương 6,1 tỉ USD). Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỉ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỉ đồng; du lịch là 22.800 tỉ đồng; y tế là 2.500 tỉ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỉ đồng.
"Với những chủ trương và giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, đã và đang triển khai, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 3 "nhất" gồm: Hạ tầng thiết yếu phục vụ doanh nghiệp đồng bộ nhất; chi phí thuê đất và sử dụng lao động cạnh tranh nhất; giải quyết các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời nhất"- ông Xứng khẳng định.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa năm 2017 tối ngày 18-5 |
Thủ tướng chụp ảnh với các lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hơn 6,1 tỉ USD (135.300 tỉ đồng) được đầu tư vào Thanh Hóa trong dịp này là thành quả rất lớn, rất đáng được trân trọng. "Tôi khẳng định Thanh Hóa là 1 điểm kinh tế năng động của nước ta, 1 điểm đến đầy tiềm năng của nhà đầu tư, là một Việt Nam thu nhỏ có đầy đủ điều kiện để phát triển. Hãy chọn Thanh Hóa, hãy vào làm ăn ở Thanh Hóa, điều đó có thể là một hướng để các bạn tìm hiểu, ký kết đầu tư vào Thanh Hóa trong thời gian qua. Những điều kiện cụ thể của Thanh Hóa, cùng với tầm nhìn thông qua quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 sẽ giúp Thanh Hóa phát triển bền vững, ổn định và thành công nhiều hơn trong tương lai"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng khẳng định Thanh Hóa là vùng đất hiếu học, con người cần cù, thông minh, sáng tạo. Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thành tích trong khoa bảng trước đây và hiện nay nhiều học sinh đoạt huy chương vàng trong các cuộc thi học sinh giỏi Quốc gia và Quốc tế. Điều đó đồng nghĩa rằng cùng với nâng cao mở rộng chất lượng lao động sẽ hứa hẹn một nguồn lao động tinh nhuệ cho Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng.
Với tiềm năng và điều kiện thuận lợi như vậy Thanh Hóa cần trở thành tỉnh kiểu mẫu trong việc thu hút đầu tư. Kiểu mẫu cũng là điều Bác Hồ nhắc khi về thăm Thanh Hóa.
Vì thế, Thủ tướng nhắc ở Thanh Hóa một số vấn đề: Việc thứ nhất. tiếp tục cải tạo môi trường đầu tư kinh doanh, cụ thể hóa lợi thế rộng lớn về đất đai, cần phải quy hoạch, phân bổ về sử dụng đất sao cho khoa học, hiệu quả để chi phí đất đai giảm xuống mức thấp nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và về lâu dài không bị ảnh hưởng, mâu thuẫn nhau.
Việc thứ 2, tăng cường tính minh bạch trong cộng đồng kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính phủ trao cơ hội để Thanh Hóa là địa phương mẫu mực, tiên phong trong việc cụ thể hóa mục tiêu và đạt được tầm nhìn này sớm nhất trong cả nước.
Việc thứ 3, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp, đây là điểm then chốt mà Thanh Hóa cần cải thiện, chính quyền và các cấp cần năng động hơn trong việc cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư tốt nhất đến địa phương, không nên thụ động để mất đi cơ hội, tính cạnh tranh. Một chính quyền mà không nặng động, không quyết tâm sẽ khó thành công. Với quyết tâm đổi mới tư duy và cách làm, Thanh Hóa nhất định sẽ thành công, để đời sống của người dân được nâng lên một bước mới.
Cuối hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ ngành và tỉnh Thanh Hóa đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào Thanh Hóa.
Các nhà đầu tư nước ngoài thăm Khu kinh tế Nghi Sơn và tìm cơ hội đầu tư vào Thanh Hóa |
Trước đó, chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Thanh Hóa trong phát triển kinh tế-xã hội, như thu ngân sách vượt mức (năm 2016 thu 12.300 tỉ đồng, 4 tháng đầu năm 2017 đạt 26% dự toán). Trong quá trình chuyển mình, tỉnh đã quan tâm đến công tác quy hoạch để phát triển bền vững.
Thủ tướng đề nghị Thanh Hóa tiếp tục nghiên cứu triển khai chiến lược phát triển toàn diện, ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm, các thế mạnh để gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Không có nhà đầu tư, không có những dự án lớn thì khó có thể thành công. Đề nghị tỉnh cần rà lại việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2017 để làm sao đạt kết quả cao nhất, đóng góp vào kết quả chung của cả nước, Thủ tướng mong muốn Thanh Hóa phấn đấu không ngừng, trở thành tỉnh khá giả ở miền Bắc, là một tỉnh kiểu mẫu như lời dạy của Bác Hồ.
Ghi nhận 13 kiến nghị của Thanh Hóa nêu tại cuộc làm việc, Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng xem xét cụ thể, trình Thủ tướng quyết định
Tác giả: Thanh Tuấn
Nguồn tin: Báo Người lao động