Tập đoàn Vinatex đã thực hiện IPO vào năm 2014 với việc vốn Nhà nước giảm còn 54%
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc cổ phần hóa Trung tâm Y tế - Bệnh viện Dệt May sau khi đánh giá kết quả cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương.
Cụ thể, thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần, giai đoạn 2016-2017 đối với 3 đơn vị: Viện Dệt May, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, Viện Mẫu thời trang - Fadin.
Bộ trưởng Bộ Công Thương được Thủ tướng ủy quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập này và triển khai các công việc liên quan theo quy định. Bộ Công Thương là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước (nếu còn) tại các công ty cổ phần.
Về Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục hoạt động theo cơ chế tự chủ theo Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 4/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai tái cơ cấu, sắp xếp lại và đẩy mạnh tự chủ đối với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Nghề Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn 2016-2020. Khi có đủ điều kiện, Bộ Công Thương tiếp tục sắp xếp theo quy định.
Công ty mẹ Vinatex được Thủ tướng quyết định chuyển thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu hồi tháng 6/2010. Đến tháng 2/2013, Thủ tướng ban hành Quyết định 32 phê duyệt Đề án tái cơ cấu tập đoàn giai đoan 2013 - 2015. Đến tháng 5/2014, phương án cổ phần hóa Công ty mẹ Vinatex được phê duyệt, sau đó, tập đoàn này đã thực hiện thành công bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 22/9/2014.
Tại phiên đấu giá trên, 90% lượng cổ phần chào bán của Vinatex đã được đấu giá thành công với giá đấu bình quân thành công là 11.000 đồng/cp, mang về cho Vinatex tổng cộng 1.216 tỷ đồng. Đợt IPO này của Vinatex có 30 nhà đầu tư nước ngoài tham gia và đã mua trọn hơn 55 triệu cổ phiếu.
Sau IPO, trong cơ cấu vốn của Vinatex có 51% thuộc sở hữu Nhà nước, 24% nhà đầu tư chiến lược, 0,6% người lao động và 24,4% các nhà đầu tư khác. Hai nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần Vinatex là Tập đoàn Vingroup (VIC) và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (V.I.D) với lần lượt 10% và 14% vốn điều lệ Vinatex.
Tháng 6 năm ngoái, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho Vinatex với mã là VGT. Qua đó Vinatex đã thực hiện đăng ký ghi sổ 500 triệu cổ phiếu tại VSD. Nhưng đến nay mã này vẫn chưa được giao dịch chính thức.
Tác giả bài viết: Bích Diệp