Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS Nguyễn Văn Thân - Ảnh: LÊ KIÊN |
"Thủ tướng thông báo với tôi rằng với Chỉ thị 11 (về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 - PV) được ban hành, Chính phủ và Thủ tướng đã lắng nghe, tiếp thu nguyện vọng, đề nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, yêu cầu các bộ, ngành cấp bách tham mưu chính sách", ông Thân cho biết.
Đề nghị sớm "nới" rộng tín dụng
Trong đó, Thủ tướng chia sẻ với các hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt.
"Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bước đầu bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động", chỉ thị đề cập.
Thông qua lãnh đạo hiệp hội, Thủ tướng một lần nữa truyền đi tinh thần "chống dịch như chống giặc", đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia tích cực cùng hệ thống chính trị để kiểm soát, phòng ngừa có hiệu quả dịch COVID-19, cố gắng khắc phục khó khăn tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 được Bộ Tài chính công bố hôm qua 11-3, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá là các bộ, ngành đang rất tích cực thực hiện chỉ thị của Thủ tướng để kịp thời ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Thân đề nghị: "Đồng thời với chính sách gia hạn nộp thuế, giảm tiền thuế, chúng tôi đề nghị có chính sách mới để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn tín dụng hiệu quả hơn, đặc biệt là các điều kiện tiếp cận Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nới hơn nữa".
Theo số liệu được cập nhật, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 2 tháng đầu năm là gần 17.500, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, cũng có hơn 16.000 doanh nghiệp dừng kinh doanh có thời hạn, hơn 9.300 doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể, hơn 5.600 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, hơn 2.800 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể.
"Tăng đề kháng, rèn luyện sức khỏe" cho doanh nghiệp
"Khó khăn thì chúng ta nhận thấy rõ rồi. Nhưng trong khó khăn cũng có cơ hội. Đây là dịp để các doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với tình hình, đầu tư cho công tác tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.
Đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện, nắm bắt cơ hội, có giải pháp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (dự kiến giữa năm 2020)", chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phân tích.
Ông Nguyễn Văn Thân đồng thời nêu quan điểm: "Thẳng thắn mà nhìn nhận thì đã có nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết, mang lại nhiều cơ hội, ưu đãi cho Việt Nam nhưng doanh nghiệp chúng ta vẫn chưa tận dụng được hết các lợi thế.
Ví dụ nông sản là thế mạnh, tiềm năng rất lớn nhưng chưa có tăng trưởng đáng kể vào các thị trường của các đối tác FTA. Do vậy việc vượt qua thời điểm khó khăn cũng là cách để doanh nghiệp tăng cường đề kháng, rèn luyện sức khoẻ".
Cũng trong sáng nay, tại cuộc làm việc với một số doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số phân tích, dự báo rằng các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ sớm phục hồi sản xuất. Đây cũng chính là thời cơ mà doanh nghiệp Việt Nam có thể đón bắt.
Như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Tác giả: Lê Kiên
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ