Tới dự còn có Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, 1.200 đại biểu là các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, cùng chính quyền tỉnh Thanh Hóa…
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là tỉnh có đầy đủ 03 vùng kinh tế, Trung du miền núi, đồng bằng và ven biển. Trong những năm qua, để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo môi trường tốt nhất thu hút đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Đến nay, hệ thống giao thông của tỉnh bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không hết sức thuận lợi, có cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn tàu 100.000 tấn có thể ra vào. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa, tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp với Cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn và các cửa khẩu quốc tế nối với nước bạn Lào.
Thanh Hóa cũng đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, đảm bảo hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước đến chân hàng rào các dự án đầu tư; Khu kinh tế Nghi Sơn là khu kinh tế được đặc biệt ưu đãi về thuê đất và các chính sách thuế. Tỉnh Thanh Hóa sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.
Ngoài ra, để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Tỉnh sẽ tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo các địa phương cam kết hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng của các nhà đầu tư; chỉ đạo các ngành, các đơn vị, khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trong năm 2017 Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, Trung tâm hành chính công các huyện, thị xã, thành phố đều đi vào hoạt động; việc giải quyết thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch. Giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.
Để chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh đã hợp tác với Công ty tư vấn BCG (Mỹ) điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.
Đây là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, hội tụ các điều kiện để phát triển bền vững. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để giới thiệu, hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư. Tại Hội nghị này có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỷ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỷ đồng; du lịch là 22.800 tỷ đồng; y tế là 2.500 tỷ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỷ đồng.
Quang cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư tại Thanh Hóa |
Tại hội nghị lần này, Thanh Hóa kêu gọi đầu tư vào 5 lĩnh vực ưu tiên gồm, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng, đô thị. Lợi thế của Thanh Hóa là có hệ thống giao thông đủ cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không thuận lợi, có cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn. Tỉnh cũng đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp….
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn, không những về số lượng nhà đầu tư trên 1.200 người mà còn về chất lượng các nhà đầu tư đều được chọn lọc với quyết tâm đầu tư vào Thanh Hóa. Thủ tướng hoan nghênh tỉnh có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, sự kiện này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Bác Hồ 19/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời dặn của Bác với Thanh Hóa, là phải trở thành tỉnh kiểu mẫu, tỉnh khá của cả nước. Thủ tướng kỳ vọng Thanh Hóa cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cụ thể hóa bằng lợi thế rộng lớn của đất đai, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư với chi phí sử dụng đất thấp, thủ tục hành chính nhanh gọn. Thanh Hóa phải có phương án quy hoạch, bố trí, phân bổ việc sử dụng đất sao cho khoa học, hiệu quả để giảm chi phí đất đai cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp và về lâu dài, không bị mâu thuẫn ảnh hưởng đến nhau.
Với nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị làm ăn bài bản, lâu dài với tầm nhìn vươn ra thị trường thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó là nói đi đôi với làm, thực hiện các cam kết đầu tư. Trong quá trình đầu tư phải bảo vệ môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; tham gia đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương.
Về phía Chính phủ, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng cả nước, trong đó có Thanh Hóa. Trước hết là nhanh chóng triển khai đường cao tốc Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An, mở rộng đường sắt, đưa sân bay Sao Vàng trở thành sân bay quốc tế. Phấn đấu để Cảng nước sâu Nghi Sơn đón tàu từ 7 lên 10 vạn tấn ra vào bình thường…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Ủy Thanh Hóa đã bày tỏ cám ơn Thủ tướng Chính phủ và nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thanh Hóa sẽ cam kết thực hiện chính sách thông thoáng cho các nhà đầu tư một cách nhanh nhất và đầu tư có hiệu quả.
Tác giả: Trịnh Tuyên
Nguồn tin: giadinh.net.vn