Kinh tế

Thủ tướng: Biến nguy thành cơ, làm cho nền kinh tế tăng tốc sau dịch

Thủ tướng lưu ý, biến nguy thành cơ, sau dịch Covid-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn quyết tâm về một Việt Nam thịnh vượng.

Sáng nay, Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19.

Hội nghị tổ chức với 30 điểm cầu truyền hình tại TƯ và 63 điểm cầu tại địa phương, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chống dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch Covid-19 được ngăn chặn

Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nền kinh tế dễ bị đổ gãy

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhắc ngay việc không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay và cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 về cách ly xã hội. Việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng cho biết, hiện có gần 5 tỷ người, khoảng nửa dân số thế giới đang phải thực hiện biện pháp cách ly ở nhà, các thành phố lớn trên thế giới đều im ắng, vắng vẻ và hàng triệu người thất nghiệp. Chưa bao giờ trong những thập kỷ gần đây có đại dịch như vậy.

Nước ta có độ mở nền kinh tế cao, dịch Covid-19 tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý 1, GDP chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011 nhưng là mức tăng cao nhất khu vực.

Các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng.

Vì vậy, thời gian tới đặt ra nhiều vấn đề cấp bách và rất hệ trọng, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình DN.

"Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội, kể cả bất ổn xã hội. Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển", Thủ tướng cảnh báo.

Như lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra

Hội nghị hôm nay được coi là “4 trong 1” hay có thể gọi là “tất cả trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh Covid-19; đồng thời nỗ lực vượt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống.

"Nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ có vậy, phải làm sao biến nguy thành cơ, sau dịch Covid-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Dẫn lại câu nói của Darwin, cha đẻ Thuyết tiến hóa, rằng không phải loài mạnh nhất sẽ sống sót, thay vào đó, loài có khả năng thích ứng trước sự thay đổi tốt nhất mới là loài sống sót, Thủ tướng nêu rõ, sự thích ứng, quyết tâm của chúng ta rất quan trọng để vượt qua thách thức, khó khăn hiện nay.

Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu hội nghị cần đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”.

“Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Gói 300 ngàn tỷ tháo gỡ sản xuất kinh doanh

Nhắc đến việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng cho biết, có 2 gói chính sách về tiền tệ và tài khóa.

Về gói chính sách tiền tệ (với tổng số 300.000 tỷ đồng), tinh thần là không để DN thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để DN tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới, ngành ngân hàng cả nước đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Về chính sách tài khóa, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa thông qua chính sách này. Đây là biện pháp các nước áp dụng rất rộng rãi.

Gói giãn, hoãn thuế với tổng số tiền khoảng 185.000 tỷ đồng và 98% số DN sẽ được hưởng lợi.

Gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí được Bộ Tài chính dự kiến ban đầu khoảng 40.000 tỷ đồng. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Tài chính báo cáo tại Hội nghị này và các đại biểu đóng góp ý kiến thêm.

"Tinh thần chung là càng khó khăn, chúng ta càng tập trung cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, DN", Thủ tướng lưu ý.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là giải ngân hết số vố còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), không để dồn vào cuối năm.

Thủ tướng cho rằng, cần kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không chịu giải ngân, nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo QH, điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: cách ly xã hội , Covid 19

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok