Xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn:
PV: Có thể nói HNNG lần thứ 30 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Bộ Ngoại giao. Xin Thứ trưởng cho biết về ý nghĩa và kết quả quan trọng của Hội nghị lần này?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Năm nay là năm thứ 73 thành lập ngành ngoại giao kể từ khi Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và cũng là một nền ngoại giao hiện đại, nền ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Năm nay chúng ta tổ chức HNNG 30 đúng thời điểm giữa nhiệm kỳ của Đại hội Đảng lần thứ XII. Với những dấu mốc lịch sử đó, chúng tôi đặt ra mục tiêu cho Hội nghị lần này là phải xem xét, đánh giá lại diễn biến của tình hình thế giới, khu vực và trong nước trong hơn hai năm qua, kể từ khi thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XII; đồng thời rà soát lại những diễn biến trước những biến đổi rất nhanh của tình hình thế giới hiện nay, cho đến việc triển khai đường lối đối ngoại của chúng ta, và việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để giữ vững và nâng cao vị thế của Việt Nam đã được triển khai thời gian qua.
Trước bối cảnh như vậy, mục tiêu mà Hội nghị đặt ra là phải đề ra được những biện pháp, chính sách để hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ mà Đại hội XII đề ra, cũng như những nhiệm vụ đặt ra cho ngành ngoại giao từ sau Đại hội XII và sau HNNG 29 năm 2016. Kết quả mà chúng tôi đạt được trong hơn 2 năm qua đã được những đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đánh giá là một điểm sáng, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước trong việc thực hiện đường lối đối ngoại và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng một cách thành công tốt đẹp. Theo tôi, đó chính là ý nghĩa, mục tiêu rất lớn của Hội nghị lần thứ 30 này.
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn sau phiên Bế mạc Hội nghị Ngoại giao 30. Ảnh: Phan Nhung |
PV: Vậy Hội nghị đã xác định những trọng tâm của ngành ngoại giao như thế nào trong thời gian tới để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Như đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nêu trong phát biểu tổng kết Hội nghị, với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”, Hội nghị lần này có sự tham gia đông đảo của hơn 700 đại biểu, tất cả các trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Hình thức của Hội nghị cũng được tổ chức sáng tạo hơn, thông qua các phiên họp khác nhau để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành, các cơ quan tham gia công tác đối ngoại phát triển. Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức các phiên họp khác nhau để lấy ý kiến của doanh nghiệp, các địa phương tham gia vào công tác hội nhập quốc tế. Như vậy là tập hợp được rất nhiều ý kiến từ các đối tượng khác nhau mà ngành ngoại giao đang tập trung chủ yếu vào hướng đi ngoại giao phục vụ cho phát triển.
Với tinh thần đó, trong Hội nghị lần này, chúng tôi cũng bàn rất kỹ tình hình quốc tế và khu vực, và đặt ra một số trọng tâm công tác trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh và phức tạp như hiện nay, ngoại giao Việt Nam dứt khoát phải là người đi đầu, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, để không những phát huy được nội lực trong nước mà còn tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ tốt nhất cho sự phát triển đất nước.
Thứ hai, công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo đóng góp cho Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội là rất quan trọng. Việc thực hiện đường lối đối ngoại đề ra trong Đại hội XII là rất cấp bách, căn cơ, có những ý kiến đóng góp xác đáng nhất, khả thi nhất, tham mưu cho việc hoạch định chính sách cũng như triển khai công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Thứ ba, chúng tôi xác định ngoại giao là một lĩnh vực được triển khai rất mạnh mẽ, nhất là ngoại giao kinh tế để phục vụ cho phát triển của đất nước. Hội nghị lần này cũng tổ chức riêng một phiên họp với chủ đề ngoại giao phục vụ phát triển do Thủ tướng trực tiếp chủ trì và đã có chỉ đạo rất cụ thể về các nhiệm vụ ngoại giao kinh tế, cũng như ngoại giao phải làm gì để phục vụ cho phát triển. Trong đó, nhấn mạnh hai điểm: một là ngoại giao phải chuyển mạnh sang lấy người dân, doanh nghiệp, các địa phương làm trung tâm đối tượng phục vụ trong quá trình phát triển đất nước; hai là phải kết hợp được tất cả các kênh, đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, ngoại giao Nhà nước, giữa ngoại giao với quốc phòng, an ninh và các lực lượng trong đối ngoại để tạo ra được một sức mạnh tổng hợp nhất, phục vụ cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển trong thời gian tới.
Một trọng tâm nữa cũng được đề cập tới là công tác triển khai đồng bộ các hoạt động ngoại giao văn hóa, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân. Bởi đây là những lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông và các tầng lớp người dân. Trên thực tế, ngoại giao văn hóa, hay công tác thông tin kiều bào cũng là những điều rất quan trọng để đưa hoạt động đối ngoại lớn của Đảng và Nhà nước ta đến với người dân, qua đó tranh thủ được sự đồng thuận, hợp tác, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Một điểm rất quan trọng nữa là chúng tôi thảo luận rất sâu và đưa ra chương trình cụ thể về việc kiện toàn, xây dựng tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao trong thời gian tới, để vừa tinh gọn, vừa hiệu quả nhưng phải đáp ứng được nhu cầu phục vụ tốt nhất cho sự phát triển cũng như công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Phải xây dựng được bộ máy cán bộ từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đều phải lên kế hoạch cụ thể để đảm bảo có được đội ngũ cán bộ tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu trong thời kỳ mới. Đảm bảo xây dựng được một nền ngoại giao vừa chính quy, vừa chuyên nghiệp, xây dựng được cơ sở vật chất của các cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài để có thể sánh được với tầm vóc của đất nước Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, có vị thế và uy tín trên trường quốc tế.
PV: Thưa Thứ trưởng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, ngoại giao phát triển sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị lần này có một phiên họp toàn thể do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì, trước đó chúng tôi cũng tổ chức một phiên họp riêng với hơn 400 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam để lấy ý kiến. Tựu chung lại, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đang trong quá trình định hình xong ý tưởng đã có từ lâu, và càng ngày càng bài bản, chính quy và hiện đại hơn, nhất là theo những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ HNNG 29.
Hội nghị lần này đã tập trung vào một số điểm mà chúng tôi thấy khả thi: một là công tác nghiên cứu tham mưu và thông tin cập nhật đến cộng đồng doanh nhiệp về tình hình thị trường cũng như chính trị, an ninh, xã hội của các nước trên thế giới có thể tác động tới quá trình hợp tác kinh tế giữa ta với các nước khác; hai là đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để vừa đột phá vào những thị trường mà doanh nghiệp còn thấy khó khăn, tham mưu, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiến vào thị trường mới một cách thuận lợi; ba là Bộ Ngoại giao cũng cần có những công trình nghiên cứu, khảo sát thông tin, đánh giá về từng thị trường để cung cấp cho các doanh nghiệp một cách cập nhật và kịp thời nhất.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Tác giả: Tuệ Minh
Nguồn tin: Báo Infonet