Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga
Ngày 1/7, thí sinh bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2016. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đã chuẩn bị sẵn sàng chưa thưa thứ trưởng?
Hôm nay 30-6 là ngày đầu của kỳ thi THPT quốc gia 2016, thí sinh đến làm thủ tục dự thi và điều chỉnh sai sót trước khi bước vào các ngày thi chính thức vào các ngày 01, 02, 03, 04 tháng 7 năm 2016.
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được thực hiện rất chu đáo. Các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương đã tham gia phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, các sở GDĐT trong tất cả các khâu theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GDĐT đã ban hành đầy đủ quy chế và các tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện Kỳ thi. Hệ thống phần mềm quản lý thi, đăng ký xét tuyển và xét tuyển sinh ĐH, CĐ đã được nâng cấp, chạy thử nghiệm để phục vụ thí sinh và các nhà trường với tinh thần ứng dụng tối đa công nghệ thông tin cho công tác thi và tuyển sinh.
Bộ GDĐT đã tổ chức quán triệt, triển khai tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi cho các sở GDĐT, Cục Nhà trường- Bộ Quốc phòng và các trường ĐH được giao chủ trì cụm thi.
Bộ GDĐT cũng đã có Công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đề nghị phối hợp với Bộ GDĐT để tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 gửi các sở GDĐT và các trường ĐH, CĐ.
Lãnh đạo Bộ GDĐT đã đi kiểm tra tình hình công tác tổ chức Kỳ thi ở một số cụm thi trong cả nước, đặc biệt là những cụm thi vùng khó khăn, những địa phương lần đầu tổ chức Kỳ thi để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế.
Qua các đợt kiểm tra, Bộ GDĐT đã lưu ý các trường ĐH chủ trì cụm thi và các địa phương tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho Kỳ thi, dự báo những tình huống khó khăn có thể xảy ra để có phương án xử lý phù hợp.
Đồng thời rà soát danh sách thí sinh đăng ký dự thi ở những vùng khó khăn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, không để thí sinh nào vì khó khăn mà không đến dự thi, lên kế hoạch cụ thể công tác chấm thi đảm bảo đúng tiến độ, tăng cường hạ tầng kỹ thuật để công bố kết quả thi theo lịch của Kỳ thi.
Tất cả các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và chủ động triển khai, rà soát công tác chuẩn bị tổ chức thi đảm bảo đúng quy chế và phù hợp với thực tế của địa phương; ban hành đầy đủ hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi, đảm bảo đúng chủ trương; đã quán triệt nghiên túc Chỉ thị của Thủ tưởng Chính phủ về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an ninh, trật tự tại các cụm thi và tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở xa về dự thi; bảo đảm an ninh, trật tự các Điểm thi và an toàn cho tất cả các khâu của Kỳ thi.
Tất cả các cụm thi đã tập huấn cho cán bộ tham gia Kỳ thi, cán bộ của các trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp tổ chức thi đã di chuyển về các Điểm thi theo kế hoạch, đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng tổ chức thành công Kỳ thi năm 2016.
Sinh viên tình nguyện hướng dẫn thí sinh đến phòng thi
Như thông tin của nhiều cụm thi cho thấy, năm nay có nhiều cán bộ coi thi phải di chuyển rất xa để coi thi, rất vất vả, thứ trưởng cho biết việc huy động cán bộ coi thi trong kỳ thi năm nay như thế nào, có đảm bảo điều kiện cho cán bộ coi thi?
Bộ quy định cụ thể tỷ lệ cán bộ coi thi của đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp. Theo đó, đối với cụm thi ĐH phải đảm bảo số cán bộ, giảng viên của trường ĐH chủ trì cụm thi làm công tác coi thi chiếm ít nhất 50%, số cán bộ, giảng viên của trường ĐH, CĐ phối hợp tổ chức chiếm ít nhất 20% số cán bộ coi thi tại mỗi Điểm thi của Hội đồng thi.
Đối với cụm thi tốt nghiệp phải đảm bảo số lượng cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ phối hợp làm công tác coi thi chiếm ít nhất 50% số cán bộ coi thi tại mỗi Điểm thi của Hội đồng thi.
Số lượng cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ làm công tác giám sát phòng thi chiếm ít nhất 50% số cán bộ giám sát phòng thi tại mỗi Điểm thi của Hội đồng thi.
Cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ sẽ khó khăn, vất vả khi phải di chuyển xa nhưng việc điều chỉnh này sẽ tăng tính khách quan và tương đồng trong công tác tổ chức thi giữa cụm thi ĐH và cụm thi tốt nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi.
Không quy tròn điểm thi, đảm bảo tính công bằng, khách quan và độ tin cậy của kết quả thi
Đối với việc chấm thi, công bố điểm thi và phúc khảo năm nay được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Quy định điểm các môn thi được chấm theo thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân; không quy tròn điểm (năm 2015, quy định điểm bài thi chấm theo thang điểm 10, lấy lẻ đến 0,25).
Điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (năm 2015, quy định trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên đối với môn khoa học tự nhiên và từ 1,0 điểm trở lên đối với môn khoa học xã hội thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo).
Điều này có lợi hơn cho thí sinh và sự phân hóa điểm thi được tốt hơn, thuận lợi hơn cho việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Các Hội đồng thi công bố kết quả sau khi đã hoàn tất công tác chấm thi và đối sánh giữa kết quả thi lưu tại Hội đồng với kết quả thi được cập nhật vào hệ thống quản lý thi THPT quốc gia.
Như vậy, với việc 120 Hội đồng thi công bố kết quả sẽ phân tải, giúp thí sinh tra cứu kết quả thi dễ dàng hơn, khắc phục tình trạng tắc nghẽn mạng.
Những việc đổi mới này đều hướng tới tạo thuận lợi hơn cho thí sinh, tăng tính công bằng, khách quan và độ tin cậy của kết quả thi; đảm bảo chất lượng tốt nghiệp THPT và nhất là tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016.
Thứ trưởng chia sẻ gì với các thí sinh trong mùa thi năm nay?
Đây là kỳ thi "hai trong một", kết quả được sử dụng để vừa xét tốt nghiệp vừa xét vào đại học, cao đẳng, nên đề thi không quá khó. Các em chỉ cần tự tin, nắm chắc kiến thức đã học là làm bài tốt.
Năm ngoái, dù đã được nhắc nhở nhiều lần là không được mang điện thoại di động vào phòng thi nhưng hàng trăm thí sinh vẫn mắc lỗi này và bị đình chỉ. Các em nên nhớ chỉ được mang những vật dụng Bộ cho phép như bút, thước, Atlat địa lý, máy tính có chức năng đơn giản...
Điện thoại các em nên gửi lại quầy trông coi của các anh chị tình nguyện viên, tuyệt đối không được mang vào phòng thi, vì dù mang vào mà không dùng các em vẫn bị đình chỉ thi.
Các em hãy bình tĩnh, tự tin làm bài. Chúc các em có một kỳ thi thành công, đạt kết quả tốt.
Xin trân trọng cám ơn thứ trưởng!
Năm nay, cả nước có 120 cụm thi, gồm: 49 cụm thi do sở GDĐT, 01 cụm thi do Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng chủ trì và 70 cụm thi do trường đại học chủ trì. Cả nước có 887.396 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó: 286.137 thí sinh đăng ký chỉ để xét công nhận tốt nghiệp (chiếm tỉ lệ 32%, tăng 4% so với năm 2015); 519.492 thí sinh đăng ký vừa để xét công nhận tốt nghiệp vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) (chiếm tỉ lệ 59%, tương đương năm 2015); 81.767 thí sinh đăng ký chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ (chiếm tỷ lệ 9%, giảm 4% so với năm 2015). Có 14 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ tổ chức một cụm thi do trường ĐH chủ trì (năm 2015 là 3 địa phương). |
Tác giả bài viết: Nhật Hồng (ghi)