Kinh tế

Thu tiền tỷ từ phát triển kinh tế trang trại tổng hợp

Thanh Chương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế từ vườn đồi, vườn rừng. Hiện toàn huyện có trên 3.500 trang trại, gia trại cho thu nhập cao, có nhiều trang trại cho thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Một trong những điển hình đó là trang trại tổng hợp của ông Võ Văn Kỷ - Xóm 10, xã Thanh Nho.

Là người dân bản địa ở một cùng đất có truyền thống trồng cây ăn quả từ lâu đời nhưng nhiều năm trước đây ông Võ Văn Kỷ ở xóm 10, xã Thanh Nho chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng đất. Vườn rộng chỉ để trồng cỏ nuôi bò, cây ăn quả duy nhất chỉ có 5 cây cam bù do cha ông để lại. Những năm ấy đời sống của gia đình hết sức khó khăn.

Thực hiện chủ trương của huyện và xã về việc phá bỏ vườn tạp trồng cây ăn quả có giá trị hàng hóa, từ năm 2000 gia đình ông đã mạnh dạn trồng thêm một số loại cây ăn quả mới như cam chanh, quýt và cây lấy gỗ các loại. Sau ba năm những cây cam, quýt này bắt đầu cho quả bói và đến năm thứ 5 thì cho thu nhập ổn định. Nhận thấy đất đai, thổ nhưỡng phù hợp và giá trị của các loại cây ăn quả đưa lại ông đã mở rộng dần diện tích và đến hôm nay gia đình ông đã có 4ha, trên 2.000 gốc với các loại giống cho năng suất cao như cam bù, cam chanh bản địa, cam V2, cam Xã Đoài... cho thu nhập trên 900 triệu đồng mỗi năm.


Ông Võ Văn Kỷ đang chăm sóc vườn cam V2

Từ hiệu quả kinh tế của việc trồng cam, ông Võ Văn Kỷ đã tiếp tục đầu tư thuê mượn chuyển nhượng, mua bán mở rộng diện tích trang trại. Ngoài vườn nhà, hiện ông có 5 trang trại với tổng diện tích 15ha. Bên cạnh 4ha cam, ông còn trồng 2 ha cây ăn quả khác như bưởi, quýt, hồng, diện tích còn lại trồng rễ hương, keo và cây lấy gỗ. Tổng các nguồn thu nhập từ các trag trại trên 1,5 tỷ đồng mỗi năm.

Nói về quá trình làm trang trại của mình ông cho biết: Trồng cây là phải kiên trì và tìm được nguồn giống tốt. Muốn có giống tốt phải ra Viện cây ăn quả Trung ương để mua, không nên mua giống trôi nổi không có địa chỉ, xuất xứ rõ ràng. Cam cũng là loại cây khó tính nên ngoài giống phải thực hiện nhiều quy trình kỹ thuật khác, phải thăm vườn thường xuyên để phát hiện, phòng trừ sâu bệnh nhất là các loại sâu vẽ bùa, đục thân, ngài chích hút và phải chủ động nguồn nước, làm cỏ, tủ gốc phòng chống hạn...


Vợ chồng ông Võ Văn Kỷ đang thu hoạch cam chanh

Từ mô hình trồng cam và các loại cây ăn quả khác của ông Võ Văn Kỷ, hiện toàn xã Thanh Nho đã có trên 50 trang trại trồng cam, hộ ít nhất cũng có 1ha. Đánh giá về kết quả này, Ông Trần Đình Truyền - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Nho cho rằng: là địa bàn bán sơn địa ruộng lúa nước ít, việc phát triển kinh tế từ vườn rừng vườn nhà là rất quan trọng, Từ sự lan tỏa của mô hình trồng cây ăn quả của ông Kỷ và các hộ dân, địa phương đã xây dựng đề án và được UBND huyện phê duyệt để trồng cam V2, cam Xã Đoài ra diện rộng.

Tác giả bài viết: Trần Đình Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok