Kinh tế

Thu tiền triệu mỗi ngày từ chế biến đặc sản rừng

Trong không khí nhộn nhịp mua sắm Tết, từ nhiều ngày nay, một bộ phận người dân huyện Thanh Chương rất thích thú với món thịt gác bếp, thịt chua ống tre và nhiều món đặc sản do chị Trương Hiền ở xã TĐC Thanh Sơn chế biến. Nhờ những món ăn này mà chị Hiền thu tiền triệu mỗi ngày.

Là một phụ nữ dân tộc Thái ở Quỳ Hợp (Nghệ An) lấy chồng về xã TĐC Thanh Sơn huyện Thanh Chương, hiện đang làm cán bộ công chức văn hóa xã, với khả năng chế biến đặc sản dân tộc, cách đây khoảng 6 tháng, chị Trương Hiền đã bắt tay thực hiện việc chế biến một số món ăn đặc sản như: thịt gác bếp, thịt chua ống tre, măng chua ngọt, măng đắng… được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chị Trương Hiền đang thực hiện cung đoạn gác bếp mẻ thịt mới
Theo chị Hiền, thịt gác bếp là đặc sản của người Thái ở Tương Dương. Để làm được món này, nguyên liệu chính là thịt tươi (trâu, bò, lợn bản) được ướp nhiều loại gia vị dân tộc, đặc biệt là hạt mắc khén (tiêu rừng), rất thơm, loại gia vị không thể thiếu làm nên món thịt gác bếp. Khi làm xẻ thịt thành từng khổ, ướp trong khoảng thời gian nhất định rồi xâu lại và gác trên bếp lửa, sau 2-3 ngày canh lửa liên tục sẽ cho ra thành phẩm là món thịt thơm, ngon, đậm đà. Thịt gác bếp có thể bảo quản được cả tháng, nếu bảo quản ngăn đá tủ lạnh từ 6-8 tháng vẫn giữ nguyên hương vị. Khi ăn, cách ăn truyền thống của người dân tộc là gói lá chuối ném vào bếp lửa, sau đó đưa ra đập dập và xé nhỏ ăn ngay, rất ngon. Ngoài ra có thể hấp cách thủy, nướng, rán… khi ăn chấm thêm tương ớt cho đều vị.

Thịt chua ống tre là đặc sản của người Thái ở Quỳ Hợp. Món này là thịt nạc tươi thái mỏng ướp muối, tỏi, ớt, lá chanh, trộn thính (gạo/ngô/ đậu xanh rang xay nhỏ) nhồi vào ống tre, nứa để 4-5 ngay là thành món thịt chua. Khi ăn kèm lá (sung, chanh, lá lốt, ổi....) chấm tương ớt, rất ngon.

Từ làm thử dùng trong gia đình, khoảng 3 tháng nay, chị Hiền đã đưa các món đặc sản này ra thị trường và được khách hàng đón nhận. Tùy đơn đặt của khách và tính chất công việc tại cơ quan ngày thường mỗi tuần chị làm 1 lần khoảng 25kg thịt tươi. Tháng Tết này, số lượng hàng tăng gấp đôi, gấp ba, chị phải thuê thêm người làm phụ. Từ đầu tháng Chạp âm lịch, mỗi ngày, chị làm 20kg thịt các loại. Theo đơn đặt hàng, khoảng 15 ngày trước và sau tết sẽ làm đến 50- 60kg mỗi ngày. Giá bán với thịt trâu, bò gác bếp thành phẩm là 1triệu/ 1kg, lợn mán 500.000 đồng/ kg. Giáp tết tăng từ 100.000 – 200.000 đông /kg. Thịt chua ống tre 100.000 đồng/ ống. Thị trường chủ yếu là khách tại Thị trấn Thanh Chương và Hà Nội, Vũng Tàu, Bình Dương, Nha Trang. Một cân thịt gác bếp thành phẩm thu lãi từ 200.000 – 250.000 đồng, mỗi ống thịt chua lãi 20.000 đồng.

Món thịt chua nhồi ống tre rất hấp dẫn

Chị Hiền vui vẻ cho biết: Từ các món ăn đặc sản này, mỗi tháng chị thu lãi từ 12-15 triệu đồng, riêng trong tháng Tết và dự ước trong thàng Giêng có thể thu 1,2 triệu mỗi ngày.

Ngoài việc đưa lại nguồn lợi cho bản thân, các món thịt gác bếp, thịt chua, măng rừng của chị Trương Hiền đang làm phong phú thêm các món ăn ngày Tết của huyện miền núi Thanh Chương.

Tác giả bài viết: Đình Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok