Sáng nay, 23/10, Quốc hội chính thức khai mạc kỳ họp thứ 4 với chương trình nghị sự dự kiến kéo dài hơn 1 tháng, bộn bề công việc. Tuần làm việc đầu tiên chưa có nhiều thời gian thảo luận các nội dung để dành cho công tác nhân sự.
Ngay sau ngày khai mạc với hàng loạt báo cáo được trình, từ chiều mai, 24/10, phần nội dung công tác nhân sự bắt đầu với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.
Các đại biểu Quốc hội có đôi chút thời gian để thảo luận về việc này trước khi tiến hành bỏ phiếu kín để phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ với 2 thành viên Chính phủ vào sáng hôm sau, 25/10.
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu sẽ được Quốc hội miễn nhiệm trong tuần này. |
Dù chưa làm nhiệm vụ đủ thời gian cho đến kỳ bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ vào kỳ họp Quốc hội đầu năm sau, 2018, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu được coi là hoàn thành nhiệm vụ trên cương vụ tư lệnh ngành trong 2 năm qua.
Việc miễn nhiệm với 2 ông có thể chỉ là vấn đề thủ tục, quy trình vì thực tế, ông Nghĩa đã được phân công vào vị trí công tác mới (Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng), ông Sáu đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ Tổng Thanh tra Chính phủ được các cơ quan Đảng, Chính phủ chấp nhận.
2 năm qua, ghế Bộ trưởng GTVT, Tổng Thanh tra Chính phủ đều được xếp vào diện “ghế nóng” khi các lĩnh vực quản lý này đều có những diễn biến sôi động, thúc bách lớn từ cuộc sống.
Lĩnh vực giao thông với liên tiếp những điểm nóng phát sinh từ các dự án BOT, các trạm thu phí BOT. Chuyện ùn tắc giao thông tại những đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TPHCM, chuyện quá tải sân bay Tân Sơn Nhất… cũng đều là những vấn đề cấp thiết cần sớm giải quyết. Chưa có nhiều dự án mới được triển khai dù hạ tầng giao thông không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Dự án sân bay Long Thành đã chậm tiến độ 8 tháng so với kế hoạch đề ra ban đầu.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa kiệm lời hơn, ít xuất hiện hơn tại những điểm nóng so với người tiền nhiệm. Một số lý giải được đưa ra là ông đang tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh trước khi bắt tay vào hành trình của cá nhân mình.
Lĩnh vực của Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu thời gian qua cũng được “thổi nhiệt” hơn bao giờ hết với hàng loạt những vụ việc được Thủ tướng giao, cần phải làm sáng tỏ, trong đó có những việc rất nhạy cảm vì liên quan đến công tác cán bộ.
Vụ án tại VN Pharma với “phần chìm của tảng băng” là hoạt động cấp phép nhập khẩu, đăng ký lưu hành thuốc đang gây bức xúc. Nhiệm vụ thanh tra tài sản, thu nhập của Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái đã quá hạn công bố kết luận khá lâu mà vẫn chưa thể hoàn thành khiến dư luận băn khoăn, nghi vấn…
Nhưng cũng không nhiều cuộc thanh tra lớn được thực hiện, đi đến kết luận, công khai thoả đáng trong khi sự hối thúc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của cả xã hội đang rất lớn với công tác phòng chống tham nhũng.
Trao đổi về việc Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu có đơn từ nhiệm gửi Bộ Chính trị, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lý do đưa ra là vì cảm nhận công việc không phù hợp, vì lý do sức khoẻ, gia đình để xin chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khác.
“Cán bộ đang công tác ở địa phương được điều chuyển lên Trung ương có thể hồ hởi, phấn khởi (ông Sáu nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ An Giang, gắn bó, trưởng thành tại An Giang trong suốt hơn 30 năm trước khi lên Trung ương – PV). Tuy nhiên sau thời gian công tác, cán bộ đó có thể do sức khỏe, do vấn đề gia đình nên họ không đảm bảo được việc thực hiện nhiệm vụ và có đơn xin thôi thì nên ủng hộ” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Không nhiều “tư lệnh ngành” dời nhiệm sở ở giữa nhiệm kỳ, khi đã đi được non nửa chặng đường như ông Trương Quang Nghĩa, ông Phan Văn Sáu. Ít nhiều cũng có những tâm tư của người rẽ ngang đường. Đó cũng chính là những thử thách, áp lực với những người kế nhiệm.
Sở dĩ, phần công tác nhân sự được sắp xếp, bố trí lại, đưa lên trọn vẹn trong tuần đầu tiên của kỳ họp Quốc hội là có lý do cụ thể. Trước đó, theo dự kiến chương trình được đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội, trong ngày khai mạc kỳ họp, Bộ trưởng GTVT sẽ trình Quốc hội xem xét báo cáo khả thi dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư làm sân bay Long Thành. Người trình dự án, nếu vậy, vẫn sẽ là Bộ trưởng chưa được miễn nhiệm.
Tuy nhiên, theo ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, chương trình đã được thay đổi, nội dung này được đẩy lùi về sau để sau khi phê chuẩn nhân sự mới cho chức vụ Bộ trưởng GTVT, tân Bộ trưởng sẽ trình báo cáo khả thi này, cùng với dự án cao tốc Bắc – Nam để Quốc hội cho ý kiến về việc quyết định chủ trương đầu tư. Tương tự, tại kỳ họp này, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có dự án luật rất quan trọng phải trình là luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Để những tư lệnh mới trình các nội dung quan trọng ngay sau khi nhậm chức là một dụng ý của lãnh đạo Quốc hội để mỗi vị ý thức hơn về trách nhiệm, đảm bảo trách nhiệm thông suốt với công việc về sau.
“Đại dự án” cao tốc Bắc – Nam đáng ra cũng đã được trình từ kỳ họp trước nhưng phải hoãn lại vào phút chót vì chưa đủ chắc chắn. Dự án đang khiến nhiều cơ quan lo lắng, bất an. Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thậm chí còn lo khó giải ngân 70.000 tỷ đồng chuẩn bị sẵn vì dự án triển khai rất chậm, lo cơ chế, chính sách dự kiến áp dụng với dự án này mà Bộ GTVT dự định đưa ra khó nhận được sự ủng hộ, đồng thuận.
Cũng như vậy, dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) cũng đang nhận rất nhiều băn khoăn, ý kiến trái chiều, lo ngại về chất lượng xây dựng luật tại phiên thảo luận lần đầu tại UB Thường vụ Quốc hội vừa qua.
Thông tin về nhân sự được giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn lần này chưa được tiết lộ. Chiều thứ Tư tuần này, 25/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới chính thức giới thiệu để Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm trong ngày thứ Năm, 26/10.
Rất nhiều nhiệm vụ ngổn ngang chờ đợi tân Bộ trưởng GTVT, tân Tổng Thanh tra Chính phủ, đòi hỏi 2 vị tư lệnh ngành phải xắn tay vào cuộc, không thể chần chừ, không thể thong thả để làm quen công việc.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí