Giải trí

Thu Quỳnh: “Tôi tin Chí Nhân hoàn toàn là một ông bố tốt”

“Tôi không dại để làm công việc của cả bố và mẹ. Ai là bố thì người đó phải chịu trách nhiệm của người bố. Nhưng bây giờ, con có bố có mẹ đàng hoàng, anh ấy có thể làm được và tôi tin anh hoàn toàn là một người bố tốt”, diễn viên Thu Quỳnh chia sẻ về vai trò của Chí Nhân sau khi cả hai đã ly dị và trước những phát ngôn ồn ào của chồng cũ về mình.

Mới đây, dư luận chú ý về chia sẻ của Chí Nhân về vợ cũ Thu Quỳnh, nam diễn viên cho rằng vai diễn My Sói trong “Quỳnh Búp Bê” giống với con người thật của Thu Quỳnh ngoài đời khiến nhiều người khá bất ngờ. Trong chuyến vào TPHCM lưu diễn, Thu Quỳnh đã có những chia sẻ thẳng thắn về cuộc sống của cô và mối quan hệ của cả hai sau khi ly dị.

Thu Quỳnh

Thu Quỳnh trong buổi gặp gỡ truyền thông tại TPHCM cùng đoàn nhà hát Tuổi trẻ

Trong chuyến lưu diễn lần này tại TPHCM cùng đoàn nhà hát Tuổi Trẻ, chị có cảm giác như thế nào?

Cảm giác rất hào hứng và chờ đợi khi được gặp lại khán giả TPHCM. Vì sau vai diễn My Sói trong “Quỳnh Búp bê” rất nhiều khán giả trong miền Nam biết đến và yêu quý tôi, tôi cảm thấy rất bất ngờ và hạnh phúc.

Mới đây chồng cũ của chị đã gây chú ý với phát ngôn cho rằng vai diễn My sói trong “Quỳnh Búp bê” khá giống con người chị ngoài đời. Chị có phản hồi gì về chia sẻ của Chí Nhân không?

Cá nhân tôi luôn giữ quan điểm: “Ai là người phát ngôn, cũng sẽ phải là người giải thích với mọi người”. Chuyện gì không phải do tôi phát ngôn thì tôi sẽ không nhận đưa ra nhận xét hay bình luận.

Câu chuyện này không ảnh hưởng gì đến tôi. Hiện tại, tôi vẫn bận rộn với công việc của mình. Tôi đang chuẩn bị cho những đêm diễn sắp tới tại TPHCM cùng đoàn nhà hát Tuổi trẻ.

Thu Quỳnh và đồng nghiệp

Mặc những chia sẻ không hay từ chồng cũ Chí Nhân, Thu Quỳnh đang rất hào hứng khi được gặp lại khán giả TPHCM

Vì sao chồng chị nhiều lần nhắc về chị nhưng bản thân chị lại không chia sẻ gì?

Trước giờ tôi vẫn thế, nói ít làm nhiều. Tôi muốn hành động nhiều hơn. Nếu nói mà không hành động cũng vô nghĩa. Tôi không có trách nhiệm đi thanh minh cho người khác.

Chị có sợ những lùm xùm của bố mẹ trên mặt báo sẽ ảnh hưởng đến con mình?

Bé Be còn rất nhỏ, bé vẫn chưa biết đâu là số đâu là chữ cái. Thế nên, tôi không phải lo việc này. Bé chỉ biết được nếu người lớn kể cho con nghe. Tất nhiên tôi không phải là người kể. Những người xung quanh tôi như: bố mẹ, bạn bè... tôi đều nói rất thẳng thắn và chia sẻ nghiêm túc về vấn đề này.

Mọi người hay bảo: “Những đứa trẻ không có đủ bố mẹ, gia đình tan vỡ rất tội nghiệp, đáng thương, chỉ được ở với mẹ mà không được ở với bố”. Tôi cấm tất cả những người xung quanh Be nhà tôi, có liên quan đến tôi nói với Be câu nói đó.

Thu Quỳnh

Thu Quỳnh: Vì trẻ con đến ăn, đến cầm cái thìa thế nào chúng ta vẫn phải dạy dỗ. Nhận thức, ý thức của trẻ con là do người lớn định hình cho, hoàn toàn không phải do cá nhân tự làm được. Nếu từ nhỏ, chúng ta tạo cho con cảm giác vô cùng thoải mái với cuộc sống này, với số phận của nó, khiến nó chấp nhận và vui vẻ với việc hôm nay ở với bố, ngày mai ở với mẹ. Nó sẽ hạnh phúc khi thấy bố mẹ hạnh phúc.

Dù chị có muốn bảo vệ con bằng cách văn minh nhưng không thể tránh trường hợp người ngoài nói với bé điều không hay, hoặc khi lớn lên, con chị sẽ đọc những bài báo viết về bố mẹ, cũng khó tránh tổn thương. Chị có nghĩ đến và làm công tác tư tưởng cho con trong trường hợp này chưa?

Cũng có. Tôi cũng đã trải qua khoảng thời gian rất khủng hoảng khi con tôi lên ba. Tôi từng khóc rất nhiều, con cáu mẹ, đánh mẹ. Hai mẹ con cùng gào khóc. Rất bí bách khi không hiểu con mình muốn gì. Trong một lần, khi Be thấy tôi khóc, tự nhiên con lại đần mặt ra, vì Be đang trong tâm thế ăn vạ mẹ nhưng mẹ lại “ăn vạ” lại mình.

Be nín khóc và hỏi: “Sao mẹ khóc?”. Tôi bảo: “Mẹ buồn. Mẹ nói chuyện nhưng Be không nghe. Không sao con ạ”. Tôi gạt nước mắt và đứng dậy. Con trai tôi lại ôm chặt chân tôi và bảo: “Con yêu mẹ. Con cảm ơn mẹ vì đã sinh ra con”.

Tôi quá bất ngờ vì một đứa trẻ mới 3 tuổi, nói hơi sõi được một chút đã nói được câu nói đó. Tôi hiểu ra rằng, có lẽ tôi chưa biết cách nói chuyện với con thế nào cho đúng. Đó là cách con nói để mẹ lắng nghe và cách mẹ nói để con lắng nghe. Sau lần đó, tôi thay đổi cách sống với con, cách giao tiếp với con, cách chơi với con... Dần dần hai mẹ con hiểu nhau hơn và mọi thứ cũng trở nên dễ dàng hơn.

Việc chị cho con tiếp xúc đến bố, chị có sợ những điều không hay từ cách chia sẻ của bố ảnh hưởng đến con mình?

Mọi người hay bảo: “Phụ nữ đơn thân sẽ phải làm công việc của cả bố và mẹ”, tôi không dại đến mức đó. Một người phụ nữ không nên dại ôm đồm quá nhiều việc. Tôi nói rằng, tôi là mẹ và tôi chỉ làm công việc của người mẹ. Ai là bố thì người đó phải chịu trách nhiệm của người bố. Trừ khi, anh nói với tôi, không thể làm bố. Đương nhiên, lúc đấy, tôi sẽ làm luôn công việc của anh. Nhưng bây giờ, con có bố có mẹ đàng hoàng, anh ấy có thể làm được và tôi tin anh hoàn toàn là một người bố tốt.

Trẻ con là tấm gương phản chiếu tốt nhất người bên cạnh con. Nếu như mắng hay không yêu thương là con sẽ nói ngay. Cảm giác khi con đi chơi với bố về con rất vui, rất hào hứng. Thậm chí, con còn không ngủ được. Tôi còn bảo: “Con ngủ sớm, mai bố đến đón nhé”. Vậy là con ngủ rất sớm. Hôm sau con dậy sớm và đi học rất ngoan. Tôi hay lấy lý do: “Con ngoan, dậy đi học đi, chiều bố đón nhé” là con dậy ngay. Khi con vui, con hạnh phúc, là một người mẹ, tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Thu Quỳnh

Thu Quỳnh khẳng định, chồng cũ vẫn là một ông bố tốt của con mình

Chị có phải chịu đựng, tránh những đụng chạm đến người cũ để định hướng con và làm tấm gương cho con?

Tôi sẵn sàng hy sinh vì con trước một sự việc cụ thể nào đó, người đàn bà nào cũng thế. Tuy nhiên, trong trường hợp chúng ta vừa nói, đó không phải là sự hy sinh. Nó đã nằm trong tính cách của tôi. Bên cạnh đó, tôi quan niệm rằng, bản thân được bố mẹ cho ăn học tử tế đàng hoàng. Tôi có bằng cử nhân đại học, tôi làm nghề nghiệp về văn hoá. Mỗi chúng ta có nhiều cách thể hiện sự văn hóa của mình. Không phải cứ nói về văn hóa là người có văn hoá. Hãy cư xử văn minh vì chúng ta là những con người văn minh, ở một thời đại văn minh.

Chị đã trải qua đổ vỡ hôn nhân khá lâu, nhưng câu chuyện này vẫn thường xuyên được nhắc đến. Cảm giác của chị ở thời điểm trước và hiện tại đã có sự khác biệt như thế nào?

Tôi đã từng ủy mị, đã từng khóc than, từng rất đau… Tôi là người cho phép bản thân buồn, cho phép mình đau đớn nhưng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định. Khi chấm dứt khoảng thời gian đó, tôi quên sạch tất cả mọi thứ đã làm mình tổn thương để tiến đến tương lai. Tôi không định kết thúc cuộc đời mình tại thời điểm đó. Tôi biết cuộc đời tôi còn rất dài. Tôi còn có nhiều thứ cần phải làm.

Chị từng chia sẻ, sau đổ vỡ hôn nhân, chị có tâm lí: “Chim sợ cành cong”. Hiện tại, chị đã vượt qua suy nghĩ này chưa?

Tôi không có ý định vượt qua hay phải chủ trương vượt qua nó. Tôi không cố gắng leo lên một cái cây nào đó. Tôi chỉ nghĩ, tôi cần một khoảng thời gian nữa, nếu mọi chuyện thuận lợi, tôi sẽ có một cái thang để leo lên, chứ không phải tay không leo lên nó.

Tôi không cố gắng vượt qua cảm giác “chim sợ cành cong”. Tôi nghĩ rằng, một người đàn ông đến và đủ làm cho tôi trở nên mềm yếu, làm cho tôi dịu dàng, nữ tính, đáng yêu hơn, đó là người đàn ông của mình.

Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!

Tác giả: Băng Châu

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok