Xe

Thủ phủ ôtô Trung Quốc lao đao vì doanh số thấp

Ford và các nhà máy BAIC Yinxiang đang ì ạch với nguồn vốn rót từ quỹ chính phủ.

Thị trường ôtô Trung Quốc đang giảm tốc khiến chính quyền địa phương phải hỗ trợ tài chính cho các hãng ôtô đang gặp khó khăn. Quan chức Chính phủ e sợ ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng thất nghiệp tăng cao.

"Tâm bão" nằm ở Trùng Khánh, thành phố ở trung tâm Trung Quốc. Nơi đây từ lâu đã là trung tâm sản xuất quân trang. Thành phố này mới đẩy mạnh nền công nghiệp ôtô trong vài thập kỷ gần đây, được coi là "Detroit của Trung Quốc". Sau khi thị trường ôtô lớn nhất thế giới thu hẹp doanh số vào 2018, lần đầu tiên trong suốt 28 năm, "Detroit của Trung Quốc" rơi vào giai đoạn khó khăn.

Thị trường ôtô Trung Quốc thu hẹp sau 28 năm phát triển khiến nhiều hãng sản xuất trong và ngoài nước chật vật với công suất dư thừa. Ảnh: Reuters

Thị trường ôtô Trung Quốc thu hẹp sau 28 năm phát triển khiến nhiều hãng sản xuất trong và ngoài nước chật vật với công suất dư thừa. Ảnh: Reuters

Suzuki rút khỏi liên doanh tại thành phố này, trong khi liên doanh của Ford với tập đoàn ôtô quốc doanh Changan đang cắt giảm nhân công tại nhà máy. Sự suy thoái buộc chính quyền Trùng Khánh phải can thiệp.

Đầu tháng 8 vừa qua, chính quyền thành phố thậm chí tổ chức một sự kiện để tuyên bố hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất địa phương đang gặp khó khăn. Trong số những người có mặt là một cán bộ cấp cao từ liên doanh Changan Ford, người đã cúi chào và bày tỏ lòng cảm ơn với 143,7 triệu nhân dân tệ (20,2 triệu USD) tiền vốn rót từ thành phố.

Hãng ôtô BAIC Yinxiang, công ty con có cổ phần quá bán của tập đoàn công nghiệp tư nhân Yinxiang Trùng Khánh, cũng đã đình chỉ hoạt động nhà máy tại đây. Vào thời hoàng kim ba năm trước, BAIC Yinxiang xuất ra thị trường 260.000 ôtô hàng năm. Nhưng doanh số công ty này đã sụt giảm bởi sự cạnh tranh quyết liệt từ các hãng nước ngoài, với giá xe thấp hơn.

Trùng Khánh cũng đang hỗ trợ BAIC Yinxiang bằng cách mua cổ phần chi phối trong công ty này. Trong khi đó, đối tác còn lại - Tập đoàn Ôtô Bắc Kinh, hay BAIC, cho đến nay vẫn duy trì khoảng cách với liên doanh này, cũng được mong đợi góp vốn.

Trùng Khánh đang hoàn lại một phần tiền bảo hiểm trợ cấp xã hội được trả bởi các công ty địa phương, chủ yếu là các hãng ôtô nhằm giúp họ bảo toàn được càng nhiều công ăn việc làm càng tốt. Tính cả viện trợ cho Changan Ford, chính quyền thành phố đã cung cấp khoảng 290 triệu nhân dân tệ (40,7 triệu USD) cho 39 công ty.

Quan chức đứng đầu thành phố Trùng Khánh là Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư Thành uỷ, được coi là người thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trần đã phái Thị trưởng Trùng Khánh Đường Lương Trí, quan chức số 2 của thành phố, tới Mỹ, Nhật và Hàn Quốc vào tháng 5 vừa qua. Đường Lương Trí đã tới thăm các công ty có nhà máy đặt tại Trùng Khánh, bao gồm Ford và Hyundai, giải thích về các biện pháp viện trợ của thành phố và khích lệ họ tiếp tục đầu tư.

Nhà máy của các hãng ôtô lớn ở Trung Quốc hoạt động dưới 70% công suất, tính trung bình trong năm 2018. Nếu họ tiếp tục phải chật vật với sự dư thừa trong năm nay, khoảng cách giữa kẻ thắng và người thua sẽ tăng lên. Cổ phiếu của Ford được cho rằng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Theo khảo sát của công ty tư vấn Mỹ AlixPartners, các nhà máy của Ford ở Trung Quốc chỉ hoạt động ở mức 24% công suất vào năm ngoái, trong khi doanh số bán thực của hãng này ở Trung Quốc đã giảm một nửa trong giai đoạn tháng 1-6/2019, so với năm ngoái, chuyên gia nghiên cứu của LMC Automotive, Anh, cho biết. Doanh số trì trệ đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của nhà máy. Hãng xe Mỹ "đang cắt giảm việc làm tới hơn 20%, bao gồm cả sa thải", nguồn tin am hiểu hoạt động của công ty này cho biết.

Detroit Trung Quốc lao đao giúp công nghiệp ôtô thoát nợ - 1

Hyundai cũng đang trong cảnh khó khăn. Doanh số bán thực của hãng ở Trung Quốc giảm hơn 10% trong nửa đầu 2019 so với năm trước. Nhà máy của hãng ở Trùng Khánh, hoạt động cách đây 2 năm, được cho là đang sản xuất với khoảng 30% công suất.

Ngành công nghiệp ôtô cũng mang diện mạo ốm yếu ở những nơi khác của Trung Quốc. Dongfeng Peugeot Citroen Automobile, hay DPCA, một liên doanh trong đó hãng sản xuất Groupe PSA của Pháp tham gia, cũng đang lao đao. Nhà máy của liên doanh này ở Vũ Hán – vị trí ở khoảng giữa Thượng Hải và Trùng Khánh – và Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, hoạt động chỉ với 26% công suất trong 2018. Doanh số bán thực của DCPA giảm hơn 60% trong 6 tháng đầu năm nay.

Chỉ có một trong bốn nhà máy của hãng này đang hoạt động bình thường và công ty đã bắt đầu đàm phán để bán hoặc cho thuê ba nhà máy còn lại, nguồn tin nội bộ cho biết. Một vài nhân viên hãng này đang nhận việc làm thêm ngoài giờ là tài xế cho công ty taxi công nghệ Didi Chuxing để trang trải cuộc sống, người này nói.

Nhiều hãng xe ở Trung Quốc hiện nay có tỷ lệ sử dụng nhà máy dưới 70%, so với 85% năm 2010, cho thấy năng suất dư thừa nghiêm trọng. Trong số đó là các hãng sản xuất ôtô nước ngoài như Hyundai và công ty con Kia, và hãng Renault của Pháp. Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc có công suất nhàn rỗi nghiêm trọng bao gồm Zhejiang Geely Holding Group, hãng ôtô tư nhân lớn nhất Trung Quốc, Chery, và BYD, công ty hàng đầu quốc gia này về sản xuất ôtô điện và các phương tiện năng lượng mới khác.

Detroit Trung Quốc lao đao giúp công nghiệp ôtô thoát nợ - 2

Ngược lại, các nhà máy tại Trung Quốc của Honda, Toyota và Nissan đều đang hoạt động hết hoặc quá công suất. Mặc dù thị trường ôtô Trung Quốc thu hẹp vào năm ngoái, khách mua xe vẫn rất hợp khẩu vị với các hãng Nhật Bản, có tiếng là tiết kiệm nhiên liệu. Các hãng xe sang cũng vẫn đang hoạt động sôi nổi, giúp hai nhà sản xuất ôtô Đức Daimler và BMW tiếp tục hoạt động các nhà máy hết hoặc quá công suất.

Tuy có những điểm sáng như trên, công suất hoạt động của các nhà máy ôtô Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm xuống. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các giới hạn nghiêm ngặt cho các nhà máy mới sản xuất phương tiện chạy xăng. Kế hoạch nhằm khuyến khích các nhà sản xuất lớn hơn mua lại các đối thủ nhỏ hơn, hay các hãng nhỏ hơn sáp nhập lại với nhau, có thể giúp tận dụng được nhiều hơn công suất dự phòng.

Hơn thế nữa với biện pháp này, các startup ôtô sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc cũng có thể tìm được cứu cánh. CHJ Automotive đã mua lại Lifan, một công ty tư nhân có trụ sở ở Trùng Khánh. Hãng xe điện Reech Auto Technology Group sản xuất ở nhà máy trước kia được điều hành bởi liên doanh giữa Changan và Suzuki.

Byton, một hãng xe điện khác, đã mua lại một đơn vị gặp khó khăn của tập đoàn FAW Trung Quốc và sử dụng cơ sở vật chất ở đây để sản xuất. Nio cũng khoán ngoài việc sản xuất xe điện cho tập đoàn Anhui Jianghuai, hãng ôtô thuộc sở hữu nhà nước. Hyundai đã thông báo rằng hãng sẽ sản xuất ôtô sử dụng năng lượng mới tại nhà máy của công ty này ở Trùng Khánh trong tương lai.

Tác giả: Mai Huyền

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok