Thế giới

Thú nhận muộn màng của báo chí Mỹ sau khi Donald Trump chiến thắng

Nhiều tờ báo uy tín của Mỹ thú nhận không thể theo sát và nắm bắt đúng tâm lý của tất cả tầng lớp cử tri Mỹ trong kỳ bầu cử tổng thống được đánh giá kỳ lạ nhất lịch sử.

Báo chí Mỹ đa số đều dự đoán chiến thắng cho bà Hillary Clinton. Ảnh: Newsweek

Ngoài việc đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong đời sống chính trị Mỹ, chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump còn bộc lộ rõ hạn chế của nền báo chí nước này đối với nhiệm vụ nắm bắt, phản ánh đúng nhịp đập và xu hướng của đất nước, theo Figaro.

"Madam President" là khẩu hiệu mà hầu hết các tờ báo của Mỹ chuẩn bị để đưa lên trang nhất sáng ngày 9/11 chúc mừng chiến thắng cho bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, cử tri Mỹ đã khiến họ thật sự bị sốc khi giành sự ủng hộ cho Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Hai ngày sau cuộc bầu cử, khi tâm lý bất ngờ và thất vọng qua đi, một số tờ báo đã lên tiếng thừa nhận sai lầm.

"Giống như tất cả mọi người, chúng ta đã sai", Tony Romando, giám đốc điều hành Topix Media (đối tác của Newsweek) khẳng định trên New York Post.

"Thành thật mà nói các phương tiện truyền thông đã bỏ lỡ một thời khắc quan trọng của lịch sử đất nước", Margaret Sullivan, biên tập viên cao cấp của Washington Post nhận định.

Trong khi đó, bình luận viên Jim Rutenberg của New York Times cho rằng công nghệ và các phương thức xử lý dữ liệu hiện đại không thể cứu nền báo chí Mỹ, một lần nữa bị tụt hậu so với lịch sử đất nước.

"Tin tưởng mù quáng vào các cuộc thăm dò, các nhà báo đã không thể theo sát những diễn biến xung quanh họ. Những con số đó không chỉ là những chỉ dẫn sai lầm mà chính là hố sâu ngăn cách họ với thực tế", USA Today viết đồng thời nhấn mạnh truyền thông Mỹ phải đón nhận thất bại cay đắng nhất khi đánh giá thấp tâm lý giận dữ của cử tri Mỹ.

Khoảng cách giữa nhà báo với người dân Mỹ

Theo bình luận viên Paul Louis, sự khác biệt giữa những đánh giá của truyền thông, báo chí và kết quả bỏ phiếu là phản ánh rõ nét về sự phân hóa sâu sắc trong xã hội Mỹ, giữa một bên là tầng lớp tinh hoa (bao gồm các nhà báo) sinh sống ở bờ Tây và trong các đô thị lớn như New York hay Washington với phần còn lại là những người dân bình thường.

Mặc dù các nhà báo đã nỗ lực đi thực địa tại một số bang truyền thống của đảng Cộng hòa, phỏng vấn những thanh niên, những công nhân ngành ôtô thất nghiệp tại khu vực vành đai Rust, nhưng như thế vẫn chưa đủ để có cái nhìn toàn cảnh về cử tri năm nay.

"Nhiều cử tri Mỹ đang muốn thay đổi, họ đã bày tỏ mong muốn, thậm chí bằng cách hét lên, nhưng các nhà báo không lắng nghe", biên tập viên Sullivan khẳng định.

Paul Krugman, cây bút về kinh tế từng giành giải Nobel 2008 nhận định rằng những nội dung báo chí đưa ra gần đây đa phần chỉ dành cho những độc giả có học vấn cao, điển hình như các độc giả của New York Times, chứ không dành cho toàn thể người dân Mỹ.

"Nếu báo chí không thể dựa trên tình hình thực tế để đưa ra dự đoán đúng kịch bản chính trị của đất nước, báo chí đã thất bại trong chính chức năng cơ bản và quan trọng nhất của mình", Krugman nói.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok