Thể thao

Thủ môn Tuấn Mạnh: Tôi đã định về mở quán cơm

Ngày trở lại ĐTVN, Tuấn Mạnh vẫn không khỏi ngậm ngùi nhớ về đoạn trường lận đận khi rời HAGL. Anh suýt thành người bán cơm nếu không được Khánh Hoà cứu vớt…

Nguyễn Tuấn Mạnh (sinh năm 1990) từng được giới chuyên môn gọi là người “có căn lên tuyển”. Anh khởi nghiệp xuôi chèo mát mái đến mức ở cả Thanh Hoá (quê gốc) lẫn Gia Lai (nơi bố mẹ anh lập nghiệp), nhiều nhà cứ trông gương Mạnh mà cho con đi đá bóng.

Cha của Tuấn Mạnh là một VĐV bóng chuyền Thanh Hoá, nhưng ông mang cả gia đình vào thi đấu cho Gia Lai khi Mạnh còn nhỏ xíu. Nhờ tố chất di truyền, Tuấn Mạnh có thể hình rất tốt và đặc biệt là đôi tay khéo léo, mạnh mẽ.

Tuấn Mạnh 21 tuổi đã có sự nghiệp đáng mơ ước đối với bất cứ một thủ môn nào.

15 tuổi, Mạnh vào tập trẻ Gia Lai. Anh chơi hết các lứa tuổi U rồi sớm được đôn lên đội hình chính của HAGL khi mới 19 tuổi.

Năm 2011, Tuấn Mạnh có bước đại nhảy vọt khi chiếm suất bắt chính tại HAGL và gần như đã trở thành thủ môn số 1 của U23 Việt Nam dự SEA Games ở Indonesia. Cũng trong năm đó, anh được HLV Falko Goetz triệu tập thẳng lên ĐTQG dự vòng loại thứ 2 World Cup 2014.

Thành công và danh vọng đến dồn dập với Tuấn Mạnh, nhưng nó cũng khiến anh ngộp thở. Từ một chàng trai phố núi chân chỉ hạt bột, anh theo đội tuyển tập trung ở Sài Gòn hoa lệ nhiều hơn, biết xài tiền sành điệu hơn, và cũng đã kịp vắt vai một mối tình.

Nhiều người bảo vì sự nghiệp quá hanh thông, lại thêm vướng lưới tình nên Tuấn Mạnh không còn duy trì được ý chí phấn đấu đúng vào thời điểm anh cần khẳng định chỗ đứng vốn đã dành sẵn cho mình.

Suất chính trong khung gỗ U23 VN đã được Falko Goetz mặc định là của Tuấn Mạnh, nhưng mở màn SEA Games 2011, anh lại chơi một trận dưới trung bình. Dù U23 VN vẫn thắng Philippines 3-1, nhưng sau đó, Tuấn Mạnh mất vị trí vào tay Bửu Ngọc.

Suốt giải đấu đó, Tuấn Mạnh phải ngồi dự bị. Anh chỉ được vào sân một lần nữa, trận cuối cùng, là một thất bại ê chề 1-4 của U23 VN trước Myanmar và ngay cả huy chương đồng cũng không lấy nổi.

Nhưng 26 tuổi, anh phải nhờ Khánh Hoà cưu mang mới tránh khỏi cảnh thất nghiệp.

Đó cũng là thời điểm vận đen không chịu rời xa Tuấn Mạnh. Trở về CLB, anh không còn là số 1 nữa khi HAGL chiêu mộ được “người nhện” Bassey Akpan từ Nigeria. 3 mùa giải liên tiếp (2012, 2013, 2014), Tuấn Mạnh chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Chán nản, thiếu quyết tâm tập luyện, phong độ sa sút, Tuấn Mạnh từ chỗ có tất cả bỗng nhiên mất hết. Các đội tuyển không còn đoái hoài đến anh, còn ở phố Núi, đứa con cưng của bầu Đức ngày nào bỗng vật vờ như một người thừa.

“Có lẽ trong những tháng ngày u ám ấy, niềm vui duy nhất của tôi là gia đình”, Mạnh chia sẻ. Cũng may cho anh là mối tình ở đất Sài thành không làm anh hối tiếc. Dù trắc trở đường sự nghiệp, nhưng anh lại có một hậu phương vững chắc, nơi cậu con trai lớn dần lên cùng những ưu tư của người cha.

Đầu mùa giải 2015, HAGL thanh lọc hết “tàn dư” cũ làm bàn đạp cho lứa trẻ của Học viện lên V.League. Tất cả những công thần một thuở đều phải ra đường, và Tuấn Mạnh cũng không là ngoại lệ.

Ngày nhận quyết định thanh lý hợp đồng qua điện thoại, Tuấn Mạnh bất ngờ và đau đớn bởi anh không có cả cơ hội để gặp mặt những người đáng hàng cha chú của mình.

Mạnh kể: “Khi đó, em hoang mang lắm, vì thực sự 8 năm trời, em chưa từng nghĩ sẽ rời Gia Lai đi đâu cả. Em nói với lãnh đội, cả tuổi thơ của cháu đã ở đây, giờ vợ cháu cũng đang bầu, cháu chỉ muốn ở lại Gia Lai thêm 1 năm, không lót tay, chỉ xin có lương để nuôi vợ con cháu. Nhưng đáp lại chỉ là cúp máy lạnh lùng”.

Tuấn Mạnh chia tay ngôi nhà cũ theo cách không thể nghiệt ngã hơn, khi anh nhận tờ quyết định từ tay cô văn thư của đội. Từ đó là cả một hành trình bươn chải, đầy mệt mỏi và bế tắc.

Đang từ chỗ công ăn việc làm ổn định, lương thưởng không phải nghĩ, chàng thủ môn 24 tuổi buộc phải đi thử việc khắp nơi, mong tìm một chỗ nương thân. Anh đến Đồng Nai, đánh tiếng thêm một số CLB khác, nhưng ở những nơi ấy, họ đều đã dư thừa vị trí gác đền.

Vợ của Mạnh thấy chồng vất vả, lo toan gầy tóp má nên thương lắm. Cô bảo chồng nếu khó khăn quá thì giải nghệ, gom vốn liếng mở một quán cơm. Đường cùng, Mạnh đã tính gật đầu.

HLV Võ Đình Tân (áo xanh) đã cứu vãn sự nghiệp của Tuấn Mạnh và biến anh thành một trong những thủ môn hay nhất V.League 2015, 2016.

Nhưng đúng vào lúc vô vọng nhất thì cánh cửa Khánh Hoà mở ra cho Tuấn Mạnh. HLV Võ Đình Tân kêu Mạnh về thử vài bữa, nếu ổn thì ký hợp đồng.

“Khánh Hoà khi đó có đến 4 gôn. 2 em trẻ, Đức Anh của Nghệ An, Ngọc Tú của Nam Định, em về nữa thành 5. Em nghĩ chắc ra Nha Trang chơi vài bữa cho vui, không ngờ bắt 3 trận, mỗi trận 1 hiệp, em được thầy Tân kêu ở lại. Thế là em không thất nghiệp”.

Nhắc về chuyện ấy, Tuấn Mạnh bảo anh cảm cái ơn của thầy Tân không biết chừng nào cho đủ. Không chỉ là miếng cơm manh áo cho gia đình, sự cưu mang của Khánh Hoà còn giúp Mạnh tìm lại ý chí, phong độ và cả khát khao của một thời xưa cũ.

Danh sách đội tuyển Việt Nam:

Thủ môn (4): Trần Nguyên Mạnh (SLNA), Đặng Văn Lâm (Hải Phòng), Nguyễn Tuấn Mạnh (Khánh Hòa), Huỳnh Tuấn Linh (Than Quảng Ninh).

Hậu vệ (9): Trương Đình Luật, Âu Văn Hoàn (B.Bình Dương), Đinh Tiến Thành (Cần Thơ), Trần Đình Đồng (Thanh Hóa), Sầm Ngọc Đức (Hà Nội T&T), Vũ Văn Thanh (HAGL), Quế Ngọc Hải, Trần Đình Hoàng (SLNA), Nguyễn Minh Tùng (Than Quảng Ninh).

Tiền vệ (10): Trần Phi Sơn (SLNA), Lương Xuân Trường (Incheon United), Nguyễn Huy Hùng, Đinh Thanh Trung (Quảng Nam), Phạm Thành Lương (Hà Nội T&T), Ngô Hoàng Thịnh (Thanh Hóa), Nguyễn Trọng Hoàng (B.Bình Dương), Nghiêm Xuân Tú, Vũ Minh Tuấn (Than Quảng Ninh), Nguyễn Tuấn Anh (Yokohama FC).

Tiền đạo (6): Lê Công Vinh (B.Bình Dương), Nguyễn Công Phượng (Mito Hollyhock), Hoàng Đình Tùng (Thanh Hóa), Lê Văn Thắng (Hải Phòng), Nguyễn Văn Toàn (HAGL), Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội T&T).

Tác giả bài viết: Quốc Bảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok