Trong nước

Thu hồi tài sản tham nhũng: Phải làm quyết liệt, đồng bộ

Thu hồi tài sản tham nhũng là việc rất khó, phức tạp, kéo dài. Tuy nhiên, chỉ khi thực hiện công việc này hiệu quả, tài sản của Nhà nước, nhân dân mới không bị thất thoát. Đặc biệt, thông qua việc thu hồi tài sản triệt để mới đủ sức phòng ngừa, răn đe trong công tác phòng chống tham nhũng.

Tham nhũng không chỉ gây thất thoát nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào Đảng. Do đó, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi quyết tâm nỗ lực không ngừng. Hiện công tác này đang được TP.HCM thực hiện một cách quyết liệt, triệt để và phát huy được hiệu quả.

Khó thu hồi tài sản ở giai đoạn tiền tố tụng

Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, việc thu hồi được tài sản đặc biệt quan trọng, ngoài việc thu hồi lại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp…còn có tác dụng răn đe rất lớn.

Tuy nhiên, Luật sư Hà Hải nhận định, hiện nay các quy định của pháp luật không đầy đủ, chỗ thừa, chỗ thiếu dẫn đến người thực thi công vụ thực hiện rất khó khăn. LS Hải dẫn ví dụ, ở giai đoạn tiền tố tụng là “giai đoạn vàng” để các đối tượng tẩu tán tài sản bởi các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chưa bị khởi tố, về nguyên tắc luật pháp quy định những tài sản đó không bị kê biên và phong tỏa tài khoản. Do đó dù công tác thu hồi tài sản tham nhũng tuy đã cố gắng hết sức nhưng dòng tiền, tài sản thu hồi không nhiều.

Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM


"Luật pháp cần thay đổi trong giai đoạn tiền tố tụng để hỗ trợ cho cơ quan công quyền ngay tại thời điểm đó, kê biên phong tỏa. Thứ hai là luật pháp quy định việc kê biên, phong tỏa chỉ giới hạn trong số tiền họ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà mình phát hiện, luật chưa quy định phải kê biên phong tỏa số tiền lớn hơn. Cho nên dẫn đến câu chuyện là khi kê biên phát hiện rồi nhưng đến giai đoạn điều tra, truy tố thì chúng ta lại phát hiện ra hành vi khác thì những tài sản mà không bị kê biên đã bị tẩu tán", theo LS Hà Hải.

Về vấn đề này, Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM thừa nhận, trong giai đoạn phát hiện, kê biên và thu hồi tài sản tại cơ quan điều tra Công an TP gặp không ít khó khăn.

Về pháp lý, việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo và phong toả tài sản chỉ áp dụng với người bị buộc tội, tài sản tịch thu phải liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong đó việc kê biên và phong toả số tiền trong tài khoản phải tương ứng. Đây là việc rất khó xác định bởi trong giai đoạn tiền tố tụng, kể cả trong giai đoạn điều tra, lên tin báo, tiến hành khởi tố vụ án đều khó xác định “vì các dòng tiền đan xen nhau, đòi hỏi cơ quan điều tra phải rất thận trọng trong việc xác định bởi vì nếu xác định sai, ngoài trách nhiệm, còn gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân”.

Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM (ảnh Việt Dũng)


Các đối tượng phạm tội chuẩn bị rất kỹ, kể cả trước, trong và sau giai đoạn phạm tội. Bây giờ các hoạt động chuyển tiền đi nước ngoài rất dễ, không thể kiểm soát được, chỉ một cuộc điện thoại ở Việt Nam có thể chuyển tiền đi khắp thế giới. Ở đó, các đối tượng trao đổi, chuyển tiền và trực tiếp thanh toán tại Việt Nam. Các đối tượng có thể chuyển hóa, đầu tư vào các khoản đầu tư, sàn giao dịch điện tử, công ty nằm ở nước ngoài và chúng ta không thể quản lý được. Sự hỗ trợ và tương trợ tư pháp rất khó khăn trong các trường hợp này", Thượng tá Ngô Thuận Lăng cho biết.

Giải pháp mạnh thu hồi tài sản tham nhũng

Tại tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP.HCM do Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM và báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 11/10, các chuyên gia cho rằng, quy định của pháp luật cần phải rõ ràng, quy định kỹ hơn để các cơ quan tiến hành tố tụng, thanh tra có đủ điều kiện cơ sở pháp lý để triển khai, nhất là với các tài sản như chứng khoán chẳng hạn, chỉ với động thái kê biên có thể khiến cho giá trị bị kéo xuống rất nhanh.

Ngoài ra, hiện nay đang có tình trạng trong suốt quá trình từ khi nhận đơn tố giác đến khi xét xử, nhận thức chung của các ban, ngành, cơ quan thi hành tố tụng vẫn là tập trung xử lý hình sự, chưa quan tâm lắm việc xử lý về dân sự trong vụ án hình sự. Điều này cần phải thay đổi, trong giải quyết các vụ án hình sự cần quan tâm hơn các vấn đề dân sự để tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án sớm thu hồi tài sản, sớm khắc phục được hậu quả thiệt hại mà các bị can, bị cáo gây ra.

Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị, cần tạo điều kiện cho cho luật sư tham gia ngay từ khi xác minh tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, xuyên suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Khi đó, các luật sư sẽ giúp người bị buộc tội nhận thức đầy đủ, sớm tự nguyện và vận động gia đình nộp tiền thu lợi bất chính, khắc phục hậu quả ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử trước thời điểm thi hành án hình sự, dân sự.

LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

LS Phan Trung Hoài cũng kiến nghị TP nên tập trung sức mạnh tổng hợp, tháo gỡ khó khăn về pháp lý để có thể hồi sinh các dự án bất động sản có giá trị cực lớn, ở các vị trí đất vàng tại TP.HCM như dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng; dự án số 8-12 Lê Duẩn, 152 Trần Phú, dự án Mũi Đèn Đỏ...

"Để đảm bảo tính minh bạch, đảm bảo việc thu hồi triệt để và đúng giá trị, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, trong đó có lợi ích Nhà nước, nên thành lập Hội đồng xử lý tài sản, giải quyết các vấn đề án kinh tế lớn", LS Phan Trung Hoài đề nghị.

Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện KSND TP.HCM Ngô Phạm Việt cho rằng, tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng; đối tượng phạm tội chủ yếu là “cổ cồn, áo trắng”, am hiểu luật pháp; trước và sau khi thực hiện hành vi phạm tội đều đưa tài sản chiếm đoạt cho người thân hay người khác đứng tên nên việc truy xét dòng tiền, tài sản của các đối tượng này là yêu cầu đặt ra cho các cơ quan tố tụng.

Ông Ngô Phạm Việt khẳng định, ngay từ khi giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát viên, cán bộ kiểm sát đã chủ động nghiên cứu đề ra yêu cầu xác minh, kiểm tra thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ dấu hiệu hình sự, xác định tài sản bị chiếm đoạt.

VKS cũng tiến hành xác minh, kiểm soát, ngăn chặn tài sản liên quan đến dấu hiệu tội phạm, xác minh quan hệ nhân thân đối tượng nhằm truy vết tài sản liên quan cần xác minh. Đặc biệt, VKS tăng cường vận động, thuyết phục đối tượng tự nguyện nộp khắc phục hậu quả trước hoặc ngay tại phiên tòa để làm cơ sở xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vừa thể hiện tính khoan hồng của pháp luật, vừa nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản.

Phó Viện trưởng Viện KSND TP.HCM Ngô Phạm Việt (ảnh Việt Dũng)

Điển hình trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 30 ngày truy tố, VKS đã thu hồi được gần 8 tỷ đồng do các bị can và thân nhân tự nguyện nộp khắc phục hậu quả.

"Quan trọng nhất là công tác phối hợp ngay từ giai đoạn thụ lý tin báo đến điều tra, truy tố, xét xử, phải thực hiện ngay truy xét dòng tiền vào những tài sản phạm tội để có hình thức thu hồi bằng được số tiền đó. Nếu chúng tôi xác định rõ các đối tượng này tẩu tán tài sản, không có ý chí khắc phục, chúng tôi sẽ khởi tố tội danh rửa tiền, tội danh này gần đây chúng tôi xử lý rất hiệu quả", ông Ngô Phạm Việt cho biết thêm.

Thu hồi tài sản tham nhũng là việc rất khó, phức tạp, kéo dài. Tuy nhiên, chỉ khi thực hiện công việc này hiệu quả, tài sản của Nhà nước, nhân dân mới không bị thất thoát. Đặc biệt, thông qua việc thu hồi tài sản triệt để mới đủ sức phòng ngừa, răn đe trong công tác phòng chống tham nhũng. Bởi khi các đối tượng tội phạm nhận thức được rằng nếu tài sản tham nhũng của họ bị thu hồi triệt để như thế thì rõ ràng là họ không dám tham nhũng hoặc chủ động khai báo… để được giảm nhẹ tội.

Tác giả: Hà Khánh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok