Trong nước

Thu hồi 641 trụ sở làm việc vi phạm về sử dụng đất công

Liên quan đến vấn đề tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách Nhà nước, bộ Tài chính vừa tiến hành thu hồi 641 trụ sở làm việc trên cả nước do vi phạm các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Thời gian qua tại nhiều nơi xảy ra tình trạng quản lý sử dụng trụ sở, công sở chưa hiệu quả, gây lãng phí đất đai, trong khi nhiều cơ quan khác lại gặp khó khăn về trụ sở, phải đi thuê thêm diện tích đất để làm việc.

Bộ Tài chính – đơn vị quản lý Nhà nước về công sản thừa nhận các vi phạm bao gồm: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà đất dôi dư so với tiêu chuẩn, định mức; Sử dụng lãng phí, bỏ trống, cho thuê, liên doanh liên kết không đúng quy định...

Trên cơ sở chấp hành Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ áp dụng việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên phạm vi cả nước, bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 về tăng cường quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Xử lý vi phạm sử dụng trụ sở công trong đó có việc kiên quyết thu hồi trụ sở cũ của cơ quan Nhà nước sau khi xây trụ sở mới (ảnh minh họa)

Kết quả sau rà soát, xử lý, bộ Tài chính đã tiến hành thu hồi 641 cơ sở nhà, đất vi phạm; đề nghị chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định đối với hơn 100 cơ sở nhà, đất. Ngoài ra còn điều chuyển 2.785 cơ sở, bán 3.036 cơ sở...

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng cục Quản lý công sản (bộ Tài chính) cho biết, qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng thời gian vừa qua đã phát hiện một số trường hợp quyết định bán, chuyển nhượng tài sản chưa đúng thẩm quyền, hình thức xử lý, việc xác định giá bán chưa phù hợp với quy định, gây thất thoát, lãng phí.

"Một số trường hợp còn bố trí làm nhà ở trong khuôn viên trụ sở, cho thuê, cho mượn không đúng quy định, không có nhu cầu sử dụng nhưng chưa trả lại nhà nước", ông Thắng nói.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Thắng, chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị có tài sản và các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Thêm vào đó, sau vi phạm thì việc khắc phục tình trạng sử dụng trụ sở làm việc, nhà, đất sai quy định diễn ra còn chậm, kéo dài, thiếu chế tài xử lý từ khâu chính sách đến tổ chức thực hiện, một số bộ ngành không thực hiện bàn giao lại trụ sở cũ sau khi xây dựng trụ sở mới mặc dù theo quy định phải bàn giao sau 30 ngày.

Đại diện bộ Tài chính cho rằng, đất đai là một loại tài sản công, tuy nhiên Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 chỉ điều chỉnh những nguyên tắc chung trong quản lý, khai thác nguồn lực tài chính đối với đất đai và Bộ Tài chính có trách nhiệm giúp Chính phủ xây dựng các văn bản quy định về chính sách tài chính đối với đất đai như thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các khoản thuế, phí, lệ phí về đất đai.

Còn các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định giá đất, thực hiện các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, góp vốn, thế chấp... thuộc trách nhiệm của cơ quan tài nguyên và môi trường, các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Riêng đối với nhà, đất tại khu vực hành chính sự nghiệp, là cơ sở vật chất được sử dụng cho công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Do vậy, những tài sản này được quản lý theo tiêu chuẩn, định mức, công năng, mục đích sử dụng.

"Tuy nhiên, do các yếu tố lịch sử và sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy trong quá trình sử dụng đã dẫn đến các trường hợp thừa, thiếu, không còn nhu cầu sử dụng. Khi đó, tài sản sẽ được xử lý theo các hình thức thu hồi, điều chuyển, bán", ông Trần Đức Thắng phân tích.

Tác giả: Minh Minh

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok