Giáo dục

Thư gửi 23 em học sinh Quảng Bình tát bạn theo yêu cầu của cô giáo

Vụ việc 23 học sinh Quảng Bình cùng nhau tát bạn theo lệnh của cô giáo, dư luận bày tỏ sự lo ngại về cháu bé bị tát sẽ bị ảnh hưởng tâm lý. Tuy nhiên, còn một vấn đề khác nhưng không nhiều người nhắc đến:

Đó là 23 em học sinh cũng cần được quan tâm, để các em không bị ảnh hưởng về mặt tâm lý, và các em cũng coi đây là bài học đáng giá.

Là một chuyên gia về giáo dục và có nhiều ý kiến đóng góp cho ngành giáo dục, bà Đỗ Thùy Dương – Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội, Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TalentPool – đã có những trăn trở về điều này và quyết định viết một lá thư gửi 23 em học sinh nói trên.

Bà Đỗ Thùy Dương. Ảnh trên facebook cá nhân.

Được sự đồng ý của bà Đỗ Thùy Dương, Infonet xin đăng lại toàn bộ lá thư gửi 23 em học sinh Quảng Bình:

Cô chào các con,

Lúc này đây các con đang ở trong cơn bão dư luận. Tội lỗi của cô Thuỳ sẽ bị trừng phạt. Cô và rất nhiều người lớn khác rất đau lòng và xin lỗi các con vì những gì đã xảy ra.

Cô cũng đã từng tát vào má con trai mình một cái cách đây 15 năm khi anh mới 3 tuổi, và đến tận bây giờ cô cũng không thể tự tha thứ cho mình. Mỗi lần cô nhìn anh ngủ, mỗi lúc anh cười, cô đều nhìn vào má anh, cứ như là có một vết hằn ở đó.

Có một cơn giận thật lớn ở trong cô đã sai khiến cô làm điều mà cô chắc chắn sẽ không làm nếu cô tỉnh táo hoặc có thể những trận đòn, dù hiếm hoi cô chịu hồi bé, khiến cô vô thức tát con mà không nhận thức được hậu quả.

Dù thế nào, thì chúng ta, cô và các con đều đã làm những việc mà mình không mong muốn, không đủ hiểu biết và thiếu suy xét về hậu quả. Cô đã tự bào chữa cho mình như vậy nhiều năm qua.

Vậy nên,

Cô viết thư này gửi cho các con để chia sẻ hành trình cô tự nhận ra cái xấu trong mình và sửa chữa.

Hai con sau của cô “may mắn” vì ông anh đã chịu một tát vì vậy các em không bao giờ phải chịu đòn. Lỗi lầm ngày đó dạy cô cách bình tĩnh mỗi khi phải đối diện với cơn giận. Và để ngừng đánh con, cô đã học và đọc rất nhiều thứ để biết cách trưởng thành cùng các bạn.

Cô cũng cố gắng để các con cô có nhiều ký ức yêu thương và hạnh phúc, pha loãng những ký ức buồn, dù cô hiểu, không thể lấy yêu thương đè lên nỗi đau nhưng chúng ta hoàn toàn có thể pha loãng được nỗi đau.

Cô cũng chủ động nói chuyện với các con cô về chuyện này và không né tránh khi người khác hỏi cô đã làm gì xấu. Đối diện với nỗi buồn là cách tốt nhất để cùng vượt qua.

Trong số các con, mỗi con có 22 bạn trong lớp, hơn 40 phụ huynh và các thầy cô giáo khác, hãy chủ động nói ra với một vài người mà các con tin tưởng về cảm xúc của các con, để những gì đã qua không làm hại các con được nữa.

Các con đã có một giáo viên tồi, nhưng cô hy vọng rằng những giáo viên khác trong trường sẽ có thể cho con thấy các con được yêu thương. Nền giáo dục của chúng ta tuy có nhiều điều phải thay đổi, lịch sử thương đau đòi hỏi chúng ta phải nghiêm khắc với nhau để cùng vượt qua thử thách, hiện tại khó khăn nên các thầy cô giáo của các con có thể chưa được như mong muốn nhưng tất cả đều đang cố gắng. Và có lẽ tất cả chúng ta đều phải cùng học cách để tha thứ cho cô Thuỳ.

Cô đã về Quảng Bình rất nhiều lần để tri ân những người anh hùng ngã xuống cho tương lai của đất nước. Cô đã thắp hương trên hàng ngàn ngôi mộ của các liệt sỹ chưa biết tên trên quê hương con và tự hỏi mình làm sao để những hy sinh không trở thành vô nghĩa.

Và giờ thì cả nước lại hướng về Quảng Bình để xin lỗi các con, các con đã có những ngày tháng phải cúi đầu trước một cô giáo không xứng đáng. Xin lỗi vì đã không cho các con sự tự tin để ngẩng đầu, xin lỗi vì chưa cho các con niềm tin để chống lại cái xấu.

Nỗi đau của các con sẽ không vô nghĩa bởi 231 cái tát là 231 tiếng chuông cảnh tỉnh ngành giáo dục về những gì đã, đang và có thể xảy ra nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Bác Hồ kính yêu của chúng ta ước muốn là giành được độc lập quốc gia rồi người dân ta sẽ được tự do về tư tưởng và hạnh phúc trong hành động. Và cô tin thế hệ các con sẽ làm cho ước muốn của Bác được trở thành hiện thực.

Bức ảnh Bộ Giáo dục tặng ông ngoại của bà Đỗ Thùy Dương


Cô tặng lại các con bức ảnh cách đây 50 năm, Bộ Giáo dục của năm 1958, đã tặng ông ngoại của cô là chiến sỹ diệt dốt. Thế hệ chúng ta sẽ cùng nhau diệt cả sự yếu hèn. Rốt cuộc thì tất cả các khó khăn đều là động lực để chúng ta mạnh mẽ và sống tốt hơn.

Có nhiều điều cô viết có thể các con chưa đủ lớn để hiểu, mong là một ngày nào đó, vài lời này sẽ trở nên hữu ích.

Xin lỗi các con.

Tác giả: Hiền Anh

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok