Giáo dục

Thót tim cảnh học sinh vùng cao ‘cưỡi’ bè tre vượt sông tìm con chữ

Để đến trường học tập hàng ngày, trẻ em xóm Gon (Nghệ An) phải đi bộ từ tờ mờ sáng 4 km và qua sông Giăng bằng một chiếc bè tre tự chế vô cùng nguy hiểm.

Học sinh xóm Gon, một xóm vùng cao giáp vùng biên của bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An hàng ngày phải “cưỡi” bè tre qua sông đến trường. Xóm Gon nằm biệt lập bên kia dòng sông Giăng cách thị trấn Anh Sơn gần 30km.

Đoạn đường từ xóm Gon đến trường khoảng 4km rất khó đi. Những ngày thời tiết thuận lợi, học sinh xóm Gon sẽ đi đường mòn men theo những quả đồi và phải vượt qua sông Giăng bằng chiếc bè tre “tự chế” rất chồng chềnh và mạo hiểm.


Học sinh vùng cao 'cưỡi' bè tre vượt sông đi học

Được biết, người dân xóm Gon di cư đến đây đã hơn chục năm. Từ đó, người dân trong xóm cùng góp tiền mua dây thừng, chặt tre trên rừng kết bè làm phương tiện qua sông cho cả người lớn và trẻ nhỏ đi học.

Quan sát của PV, chiếc dây thừng mỏng manh được buộc chặt vào hai gốc cây nối hai bên bờ sông xa tít. Theo đó, để qua sông người đi bè dùng lực hai tay bám chặt vào dây thừng rồi kéo tay làm lực đẩy bè di chuyển.

Cái nghèo ở bản vùng cao này cũng khiến cho sự nghiệp trồng người và cuộc sống của những giáo viên cắm bản ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cách đây ít năm trẻ em xóm Gon nhất quyết không đi học, giáo viên phải sang vận động, cắm bản “gieo” chữ.

Nhưng gần đây, giáo viên không còn cắm bản nữa vì đường xá đi lại khó khăn, lại phải vượt sông, qua đèo mà số học sinh ít. Từ đó, học sinh xóm Gon hàng ngày phải qua sông đến trường.

Ước mơ của người dân xóm Gon và trẻ em nơi đây là một cây cầu bắc qua sông. Bởi, ngày càng nhiều người đến khai hoang, làm nương ở xóm Gon.

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, chị Lô Thị Liên (SN 1980, dân tộc Thái, trú tại xóm Gon) cho biết: “Hơn chục năm nay con em bản Gon vẫn đi bè qua sông đến trường. Vào những ngày mưa bão, nước dâng cao quá không đi được bè tre qua sông thì các cháu phải đi ủng cao su vượt đường đồi núi đi học hoặc nghỉ học.

Xóm Gon chỉ có 5 hộ gia đình sinh sống, mỗi nhà chỉ một đến hai con đang ở độ tuổi đi học. Con đường dễ đi nhất để ra khỏi xóm Gon là qua sông Giăng. Chỉ khi nào mùa mưa bão mới phải đi đường rừng, nhưng vừa xa mà rất mệt.

Các cháu học mẫu giáo thì bố mẹ mới đưa đi, còn lên lớp một phải tự đi bộ đến trường hoặc đi xe đạp. Các phương tiện như xe đạp, xe máy phải gửi nhà người quen bên kia sông, đoạn đường từ nhà ra bờ sông phải đi bộ”.

HOC SINH
Em Lương Văn Huỳnh (đang kéo dây) lớp 7, trường THCS Cao Vều hàng ngày đi bè qua sông đến trường.

Chị Lô Thị Liên cũng cho biết: “Nhiều hôm các cháu đang trên bè bị ngã ướt hết quần áo là chuyện bình thường, hay đang đi mà dây thừng đứt, bè tre không qua được sông, các cháu lại phải nghỉ học. Việc học hành của các cháu rất khó khăn, nhưng chúng tôi phải có đất làm nương, đi bẻ măng, chặt mía mới có cái ăn, cái mặc”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: “Xóm Gon thuộc bản Cao Vều, một bản vùng cao giáp biên giới của huyện Anh Sơn. Số hộ sinh sống ở đây chỉ có vài nhà, học sinh đi học cũng ít chưa đến chục cháu. Hàng ngày các cháu đi học phải đi bè qua sông Giăng đến trường.

Những ngày nước dâng cao, không đi bè được thì các cháu đi học qua đường đồi hoặc nhà trường cho các cháu nghỉ học để đảm bảo an toàn”.

Tác giả bài viết: Vũ Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok