Giáo dục

Thông tư 55 và “biến tướng” thu phí đóng góp tự nguyện

Mặc dù mới vào học chưa được 1 tháng nhưng nhiều phụ huynh tại Hà Nội khá băn khoăn với các khoản thu tự nguyện. Từ máy chiếu, rèm cửa, quạt mát, công trình măng non rồi quỹ lớp, quỹ trường... đều tự nguyện theo kiểu “không có sự lựa chọn” và được hợp thức hóa theo TT55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Không nên ép buộc phụ huynh “phải” đóng góp các khoản tự nguyện

Máy chiếu, rèm cửa, công trình măng non đều đóng góp


Có con năm nay vào lớp 1 tại trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội, chị H cho biết, vào đầu năm, ngoài các khoản thu thông thường như tiền học 2 buổi/ngày, tiền ăn bán trú, nước uống... các gia đình còn nhận được thông báo một số khoản do Ban phụ huynh lớp thu gồm: Tiền mua máy chiếu, công trình măng non, rèm cửa, quạt treo tường, quỹ lớp và quỹ trường. Tổng cộng số tiền thu hộ này là 700.000đ và đều theo phương thức... tự nguyện.

“Trong buổi họp phụ huynh, chúng tôi được thông báo nộp các khoản này trên cơ sở xã hội hóa. Thế là ai nấy đều phải đồng ý đóng góp vì nhìn quanh, mình có ý kiến khác cũng khó”, chị H cho hay. Cũng theo phụ huynh này, đây chỉ là các khoản do giáo viên chủ nhiệm thu.

Còn một số khoản khác nhà trường thu như nước uống, bán trú, tiền tiếng Anh..., đều được liệt kê và ghi rõ các khoản này được thu trên cơ sở văn bản nào. Phía dưới cùng của văn bản các khoản thu gửi về nhà cho gia đình, còn có phần ghi chú của phụ huynh học sinh có đồng ý tự nguyện đóng góp không. Nếu không, thì nêu lý do vì sao. Các khoản này, hiện phụ huynh cho biết nhà trường vẫn chưa thu, chờ các ý kiến phản hồi của gia đình học sinh.

Một số khoản dự kiến thu tự nguyện tại một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội dưới danh nghĩa xã hội hóa


“Điều chúng tôi băn khoăn là các khoản thu đều không có hóa đơn hay giấy biên nhận. Nhà trường yêu cầu chúng tôi cho tiền vào phong bì và nộp cho giáo viên chủ nhiệm. Nhỡ sau này có thắc mắc gì, chúng tôi không biết lấy đâu làm căn cứ”, chị H nói.

Trong thư gửi chúng tôi của một số phụ huynh có con học tại trường THCS Trung Tự (quận Hai Bà Trưng), số tiền dự kiến phải đóng góp của một học sinh lớp 6 của trường năm nay khá cao. Trong đó, học phí 80.000 đồng/ tháng; Quỹ phụ huynh lớp 1.000.000 đồng; Tiền mua điều hòa 1 triệu đồng/học sinh; Các khoản thu đóng thêm khác là 1 triệu đồng. Tiếp đến là chi phí học tiếng Anh do Trung tâm Language Link Việt Nam giảng dạy cả hai kỳ học là 6 triệu đồng/học sinh; mua tài liệu Language Link hết 460.000 đồng/học sinh; Tiền hỗ trợ học tiếng Hàn theo dự án hết 340.000 đồng/tháng; chi phí học thêm buổi chiều 3 môn Văn + Toán + Anh hết 1,04 triệu đồng/ tháng (nếu bán trú); chi phí câu lạc bộ và tự học là 360.000 đồng/tháng; chi phí ăn bán trú, khăn ướt, nước khoảng 700.000 đồng/ tháng; chi phí trông trưa 150.000 đồng/tháng.

Ngoài ra còn rất nhiều khoản khác như bảo hiểm y tế, quỹ đội… Khi cộng lại, mỗi tháng mỗi học sinh đi học ở đây phải đóng nộp tối thiểu là 3 triệu đồng. Hiện, các khoản này đang là dự kiến và nhà trường chưa thu. Riêng khoản tiền mua điều hòa 1 triệu đồng, nhà trường cho biết, chỉ một số lớp thu và nhà trường đã yêu cầu trả lại.

Đúng TT55, nhiều khoản không được phép vận động

Theo Điều 10 thông tư 55 của Bộ GD&ĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định: “Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp”.

Tại Khoản 4, điều 10 của thông tư này cũng quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học một trong số các khoản sau: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

Một mẫu đơn tự nguyện được nhà trường viết sẵn ở Hà Nội


Thứ hai là các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Theo lý giải trên văn bản gửi về cho phụ huynh ở một trong hai trường trên đây, số tiền thu được từ sự ủng hộ của phụ huynh được chia ra khoảng 80% trích về nhà trường và 20% để lại cho lớp. Số tiền này nhà trường dùng để chi trong một số hoạt động của nhà trường như: Bồi dưỡng học sinh trong các cuộc thi, hoạt động ngoài giờ lên lớp...Ở lớp, giáo viên dùng để chi cho việc khen thưởng thường xuyên và một số hoạt động giáo dục khác.

Nếu chiếu theo quy định của TT55, một số khoản thu xây dựng các công trình măng non, mua một số vật dụng, trang thiết bị máy móc dạy học như trên... đều không được phép vận động thu của phụ huynh. Việc thu/chi thế nào trong TT55 cũng được Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra từ đầu năm học. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các trường đang cố tình thu và hợp thức hóa theo thông tư 55 khiến nhiều phụ huynh phải vất vả chạy tiền đóng học cho con.

Tác giả bài viết: Mỹ Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok