Xã hội

Thông tin mới nhất vụ con dâu “khai tử” bố mẹ chồng còn sống khoẻ mạnh

Thông tin với toà án, bà V.T.V (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng do thiếu hiểu biết pháp luật về thừa kế tài sản và mâu thuẫn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong gia đình nên đã kê khai thông tin bố mẹ chồng đã chết dù ông bà còn sống khoẻ mạnh.

Liên quan đến vụ việc con dâu “khai tử” bố mẹ chồng thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua, theo biên bản lời khai ngày 9/11/2016 của bà V.T.V tại TAND quận Tây Hồ, Hà Nội mà PV Dân trí thu thập được, năm 2005 chồng bà V. mất vì ốm. Trước khi chết, vợ chồng bà V. có nhờ hai luật sư làm chứng để chồng bà V. lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho 3 mẹ con bà.

Trong thời gian đó, quan hệ giữa gia đình bà V. với ông Đỗ Văn Hợp, bà Nguyễn Thị An (bố mẹ chồng) đã rơi vào cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt”, “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Ngày 11/8/2006, tại trụ sở Phòng Công chứng số 3 Hà Nội, hai con gái của bà V. đã lập văn bản nhường quyền hưởng di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế cho bà V.

Khi đại diện phòng công chứng hỏi ngoài 3 mẹ con thì còn có người thừa kế của chồng bà V. không, thì bà V. khẳng định là không.

Theo lời bà V. khai với toà án, do bố mẹ chồng đối xử với gia đình mình không tốt nên chồng bà cũng xác định là bố mẹ đẻ đã chết. Chính vì thế khi phòng công chứng hỏi thì bà V. cũng nghe theo lời chồng, trả lời ông Hợp, bà An đã chết.

Dù còn sống khoẻ mạnh nhưng vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp- Nguyễn Thị An (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã bị khai tử từ năm 2006 trên hồ sơ công chứng thừa kế di sản (Ảnh: Đ.V).


Sau đó, do làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ ngân hàng nên bà V. đã bán nhà đất cho vợ chồng chị Hoàng Thuỳ Linh - anh Nguyễn Nghĩa. Tuy nhiên đến nay vợ chồng anh Nghĩa, chị Linh vẫn chưa được bàn giao ngôi nhà này.

Theo biên bản lời khai tại toà, sau khi bán nhà, bà V. đã chia cho một người con gái 1,3 tỷ đồng, một cô con gái khác 2,3 tỷ đồng; số tiền còn lại dùng để thanh toán các khoản nợ do làm ăn thua lỗ.

Tại biên bản đối chất giữa các bên liên quan, bà V.T.V cho rằng do thiếu hiểu biết về luật đất đai nên không biết điều khoản 669 Bộ luật Dân sự, bỏ sót phần thừa kế của bố mẹ chồng.

“Đối với ông Hợp, bà An mà yêu cầu đòi hưởng di sản thừa kế phần của chồng tôi, thì tôi sẽ chịu trách nhiệm thanh toán lại cho ông bà theo quy định của pháp luật, trên cơ sở giá trị nhà đất mà tôi đã bán được”- biên bản lời khai nêu rõ.

Với những thông tin có được như trên, đến thời điểm này chưa có cơ sở để nói rằng bà V.T.V đã “câu kết” với công chứng viên Phòng Công chứng số 3 Hà Nội để “khai tử” bố mẹ chồng còn sống khoẻ mạnh như thông tin trong lá đơn gửi tới các cơ quan báo chí và cơ quan chức năng trước đó của ông Đỗ Văn Hợp.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Hồ Xuân Hương - Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội khẳng định, công chứng viên đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục.

“Gốc của vấn đề là bà con dâu gian dối, bố mẹ chồng còn sống lại kê khai đã chết rồi. Khi công chứng viên hỏi về giấy chứng tử thì lại bảo mất. Văn phòng công chứng đã gửi văn bản tới UBND phường Nhật Tân để niêm yết xác minh. Nhưng sau 30 ngày thì phường lại trả lời không có tố cáo, khiếu nại gì nên văn phòng công chứng đã căn cứ vào đó để làm thôi. Trách nhiệm của công chứng viên không có ở đây khi người đề nghị công chứng cố tình lừa như vậy”- bà Hương nói.

Được biết, sau khi nhận được toàn bộ hồ sơ của TAND quận Tây Hồ, tới đây TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ việc ra xét xử.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok