Xã hội

Thông tin cây "quái thú" về chùa Tây Phương, Cực Lạc: Sư trụ trì nói gì?

Theo hồ sơ, 1 trong 3 cây “quái thú” vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế tạm giữ sẽ được đưa về chùa Tây Phương Cực Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) để tạo bóng mát. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Thạch Thất có 2 ngôi chùa là chùa Tây Phương và chùa Cực Lạc; sư trụ trì của cả 2 chùa này đều khẳng định: “Chưa nắm được thông tin này…”.

Như Dân trí đưa tin, trong đêm 30/3, Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) đã bắt 3 xe tải và xe tải kéo rơ-moóc của Công ty Hải Sơn vận chuyển 3 cây to như “quái thú” với nhiều lỗi vi phạm như chở quá tải trọng, vượt chiều dài, chiều cao cho phép. Sau đó, các cây trên đã được hạ tải xuống một bãi đất trống ở đường tránh TP Huế.

Lực lượng kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã lập biên bản tạm giữ 3 cây “khủng” này.

Đến chiều ngày 4/4, ông Đặng Văn Kiệm, Trưởng Phòng Thanh tra – Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cả 3 cây “quái thú” nói trên theo hồ sơ mới được cung cấp đều là cây đa sộp kích thước lớn, nguồn gốc thuộc sở hữu của người dân ở tỉnh Đắk Lắk. Cả 3 cây đều được người ở Hà Nội mua để chuyển về huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.

Theo hồ sơ, anh H Yô Na Buôn Yă (SN 1984, trú xã E A Hồ, huyện K rông Năng, tỉnh Đắk Lắk) viết bản đăng ký khai thác ngày 23/3 gửi UBND xã E A Hồ, nội dung xin phép khai thác 2 cây đa sộp cùng có đường kính 1,4 mét và chiều cao 12 mét.

Hồ sơ này còn kèm thêm đơn vận chuyển của ông Đinh Công Quân (thường trú tại Thạch Thất, Hà Nội) về việc mua 1 cây cảnh (1 cây đa sộp) của anh H Yô Na Buôn Yă để chuyển về chùa Tây Phương Cực Lạc ở Thạch Thất (Hà Nội) trồng lấy bóng mát cho chùa. Đơn này cũng được viết cùng ngày 23/3.

Tuy nhiên, sáng nay (5/4), phóng viên Dân trí đã đi tìm hiểu và ghi nhận, tại Thạch Thất không có chùa Tây Phương Cực Lạc mà có hai ngôi chùa riêng biệt là chùa Tây Phương và chùa Cực Lạc, nằm gần nhau.

Trao đổi với phóng viên, Sư cụ Thích Đàm Tường (trụ trì chùa Cực Lạc) và Sư cụ Thích Đàm Thủy (trụ trì chùa Tây Phương) đều cho biết, đến thời điểm sáng nay các sư trụ trì vẫn chưa nắm được thông tin sẽ chuyển một cây đa “khủng” về chùa để trồng lấy bóng mát.

Chùa Cực Lạc.
Chùa Cực Lạc.

Sư cụ Thích Đàm Thủy cho biết thêm, theo quy định, nếu người dân nào muốn hiến tặng bất cứ hiện vật gì cho chùa thì đều phải liên hệ trước với nhà chùa, sau đó nhà chùa sẽ thông báo cho chính quyền địa phương rồi mới làm thủ tục tiếp nhận.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc, nếu ông Đinh Công Quân có ý muốn tặng nhà chùa cây đa “khủng” nói trên, nhà chùa có tiếp nhận không? Sư cụ Thích Đàm Thủy cho biết: “Việc này nhà chùa chưa biết, mọi việc đều phải thông báo cho Ban Quản lý chùa và chính quyền địa phương rồi mới quyết định tiếp nhận hay không”.

Chùa Tây Phương.
Chùa Tây Phương.

Cũng liên quan đến sự việc trên, sáng cùng ngày, làm việc với phóng viên, một cán bộ phụ trách khối văn hóa của xã Thạch Xá (Thạch Thất – Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc này”.

Vị cán bộ xã nói trên cho biết thêm, chùa Tây Phương là di tích quốc gia nên thuộc quản lý của UBND huyện Thạch Thất, có thể ông Đinh Công Quân đã làm việc với huyện Thạch Thất về việc tặng cây đa “khủng” cho ngôi chùa này.

Tuy nhiên, trao đổi nhanh với phóng viên, ông Nguyễn Minh Hồng – Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Thất - khẳng định: “Chúng tôi chưa hề nắm được thông tin về việc ông Đinh Công Quân sẽ tặng chùa Tây Phương hay chùa Cực Lạc cây đa “khủng” như thông tin trên báo chí. Theo tôi được biết, nếu có hồ sơ vận chuyển đến chùa thì phải có hồ sơ của đơn vị tiếp nhận, nếu không thì có thể thông tin chưa chính xác”.

Dân trí sẽ tiếp tục tìm hiểu rõ sự việc trên.

Tác giả: Nguyễn Dương - Trần Thanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok