Xã hội

Thôn kiểu mẫu ở Đà Nẵng

Sau khi hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2015, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) tiếp tục triển khai xây dựng mô hình “thôn kiểu mẫu”.

Với nguồn hỗ trợ 150 triệu đồng/thôn từ huyện và đầu tư của TP cùng đóng góp của người dân, đến nay 16/119 thôn được chọn là điểm sáng về NTM.

Có bề dày hàng trăm năm tuổi, từ lâu Trà Kiểm, xã Hòa Phước là thôn mang đậm dáng dấp làng quê Việt. Sau 5 năm xây dựng NTM làng quê này đổi thay vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Đầu năm 2016, được chọn xây dựng thôn kiểu mẫu, Trà Kiểm chú trọng nâng cấp hạ tầng thiết yếu, tôn tạo cảnh quan và đẩy mạnh sản xuất.

Cảnh làng quê ở thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước

Nói về sự đổi thay từng ngày của thôn có bề dày hàng trăm tuổi này, trưởng thôn Nguyễn Thanh Quý, phấn khởi cho biết, sức dân có ý nghĩa quyết định đến sự trù phú ở Trà Kiểm. Chỉ tính riêng việc mở rộng các tuyến giao thông, 35 hộ đã hiến hơn 1.500 m2 đất ở, hàng trăm mét tường rào cổng ngõ…

Triển khai xây dựng thôn kiểu mẫu, người dân tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn ngày công lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại các kiệt xóm, bê tông hóa giao thông, kênh mương nội đồng; xây dựng cổng chào, tôn tạo cảnh quan…

Phát huy truyền thống sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng thôn kiểu mẫu, Trà Kiểm tiếp tục nâng cấp và nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu. Đây cũng là thôn có hoạt động chăn nuôi rất phát triển. Hiện tại, trong số 183 hộ thì hơn 60 hộ có gia trại, trang trại quy mô lớn, thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/hộ/năm.

Điều đáng ghi nhận ở thôn này đó là cho dù nhiều trang trại nuôi gà, chim cút số lượng lớn, nhưng không hề có tình trạng ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Thanh Quý cho biết them, thôn có quy ước rất cụ thể. Hộ nào gây ô nhiễm thì buộc phải chấm dứt hoạt động. Từ đó mà khâu xử lý chất thải chăn nuôi rất chu đáo, thường xuyên phun thuốc khử mùi hôi.

Kinh tế phát triển, đời sống nâng cao, bộ mặt nông thôn ở Trà Kiểm đổi thay nhanh chóng. Đi dọc đường thôn thảm bê tông phẳng lỳ rất dễ bắt gặp những ngôi nhà xây tầng kiểu cách trang nhã. Đêm đến, dưới ánh điện sáng trưng, người xe tấp nập ngược xuôi trên đường thôn nơi mà 2 bên san sát nhà cao tầng, không ít người cho rằng Trà Kiểm chẳng khác nào phố thị.

Thôn Phong Nam ở xã Hòa Châu có từ lâu đời. Chương trình xây dựng NTM hoàn thành, hạ tầng thôn này khá hoàn thiện, tuy vậy dáng dấp làng quê nơi đây vẫn được người dân gìn giữ với rất nhiều lũy tre, nhà cổ, đình làng, miếu mạo. Sau hơn 1 năm xây dựng thôn kiểu mẫu, một số hạng mục thuộc hạ tầng thiết yếu đã hoàn thành, cụ thể như 20 tuyến kiệt xóm đã lắp điện chiếu sáng, các tuyến giao thông nội đồng đã kiên cố hóa.

Trồng hoa chất lượng cao tại một thôn kiểu mẫu ở Hòa Vang

Song song với phát triển kinh tế, Nam Yên rất chú trọng nâng cấp hạ tầng thiết yếu và tôn tạo cảnh quan. Thời điểm này, đến thôn miền núi này không ít người ngỡ ngàng trước cảnh sắc đẹp như tranh bởi đường quê sạch sẽ, được tô điểm bởi rất nhiều giàn hoa giấy, kết quả từ cuộc thi trồng loài hoa này trước ngõ do Ban nhân dân thôn phát động…

Ông Ngô Văn Khả, trưởng thôn cho biết: Hạng mục cuối cùng sẽ triển khai trong năm nay, đó là nâng cấp chợ thôn. Lâu nay, Phong Nam luôn là điểm đến của du khách gần xa, vì vậy khi xây dựng thôn kiểu mẫu, thôn đặc biệt chú trọng đến việc tôn tạo cảnh quan đẹp, hấp dẫn.

Về nâng cao thu nhập, ngoài thâm canh trên diện tích canh tác hiện có, thôn chú trọng phát triển các nghề có từ lâu đời như sản xuất bánh gai, bánh tráng, nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu, phấn đấu thu nhập bình quân trên 40 triệu đồng/người/năm vào 3 năm tới.

Là thôn của xã miền núi Hòa Bắc, Nam Yên có đến 495 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu, nhưng chỉ có 30 ha đất trồng lúa, 25 ha trồng mía. Tuy vậy, nhờ thâm canh 2 loại cây trồng chủ lực này, kết hợp với kinh tế rừng, nuôi gia súc chăn thả, thu nhập đời sống người dân thôn này không hề thua kém các thôn vùng đồng bằng. Vài ba năm trở lại đây, phong trào trồng cỏ nuôi bò, cải tạo vườn tạp rất sôi động.

Ông Hồ Tăng Học, phó trưởng thôn Nam Yên cho biết, là thôn miền núi nhưng Nam Yên vẫn sản xuất 2 vụ lúa/năm, năng suất 62-63 tạ/ha/vụ, cao hơn ở đồng bằng. Với cây mía, mỗi ha thu 135 triệu đồng/ha/năm, lãi ròng khoảng 80 triệu. Chương trình cải tạo vườn tạp đem lại hiệu quả thiết thực, khi 42 vườn đã trồng hàng nghìn cây bưởi da xanh, mít Thái Lan…

Về chăn nuôi, ít thôn nào có nhiều hộ nuôi trâu bò đàn như ở Nam Yên. Thời điểm hiện tại, đàn trâu khoảng 200 con, đàn bò 600- 700 con. Trồng cỏ nuôi bò đã thành phong trào tại thôn từ mấy năm nay. Ngoài ra, kinh tế rừng cũng đóng góp đáng kể về thu nhập. Tính ra, toàn thôn có hơn 1.000 ha rừng trồng chứ không ít.

Như 3 thôn nêu trên, 13 thôn khác trong số các thôn được huyện Hòa Vang chọn xây dựng thôn kiểu mẫu đều có sự đổi thay vượt bậc sau hơn 1 năm triển khai. Đến thôn nào cũng dễ bắt gặp hạ tầng nông thôn hoàn thiện, cảnh quan đẹp, ấn tượng, môi trường trong lành, sản xuất phát triển với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Nói về kết quả này, ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết chủ trương xây dựng thôn kiễu mẫu đã đạt kết quả khá lạc quan. Bên cạnh sự đầu tư của trên, sức dân có ý nghĩa quan trọng tác động đến thành quả này. Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình thôn kiểu mẫu ra các thôn khác.

Tác giả: Nguyễn Cầu

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok