Trong tỉnh

Thọ Xuân- Thanh Hóa: ‘Đất tặc’ lộng hành, chính quyền thờ ơ?

Thời gian qua, người dân xã Thọ Lâm (Thọ Xuân - Thanh Hóa) vô cùng bức xúc trước tình trạng khai thác đất trái phép tràn lan, làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản.

Theo phản ánh của người dân, hồ Mao Sủi, thuộc xóm Mới, xã Thọ Lâm. Nơi đây đang nằm trong dự án xây dựng khu Sao Mai Resort. Trong quá trình thi công công trình xây dựng, đơn vị thi công đã lợi dụng việc nạo vét lòng để bán đất kiếm lời. Số đất bùn được nạo vét đúng ra phải đổ vào nơi tập kết đúng quy định thì đơn vị thi công lại đem phơi khô để bán.

Việc bán đất bùn ở hồ Mao Sủi đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến những hộ dân sinh sống gần đó. Trong quá trình vận chuyển, bùn đất vương vãi ra khắp đường, trông giống như những đống phân trâu, phân bò, bốc mùi hôi thối.

Đất bùn trong lòng Hồ được đưa lên bờ để chở đi bán vì lợi nhuận rất cao.

Bà Đào Thị Mai (58 tuổi), xóm Mới, xã Thọ Lâm, bức xúc: “Hàng ngày có hàng trăm chiếc xe chạy qua đây, mỗi xe rơi một ít. Kiểu này chẳng bao lâu con đường này biến thành cánh đồng mất. Không chỉ có vậy, mùi bùn còn hôi thối rất khó chịu”.

Đáng nói là, những địa điểm này đều cách trung tâm xã không xa, sự việc diễn ra khá lâu nhưng chính quyền, ngành chức năng lại không có một động thái nào để ngăn cản.

Được biết, đất bùn trong lòng hồ Mao Sủi không được phép bán mà phải chở đến nơi tập kết riêng. Tuy nhiên, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại, chủ doanh nghiệp ngày đêm khai thác, bán để kiếm lời.

Cách hồ Mao Sủi không xa là đồi Gấc, thôn Điền Trạch, cũng trên xã Thọ Lâm, người dân cho biết thêm từ mấy tháng nay có doanh nghiệp mang máy múc và xe đến ngang nhiên khai thác đất. Vì đất thuộc quyền sở hữu của xã nên không ai dám ra ngăn cấm.

Người dân bức xúc vì đất bùn vương vãi khắp nơi trên đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình tham gia giao thông.

Trước đây, quả đồi này được chính quyền xã cho người dân thuê để trồng keo. Tuy nhiên, do cần đất làm đường và lấp hồ nên chính quyền xã cho doanh nghiệp khai thác để lấy đất.

Ông Đỗ Viết Hữu (53 tuổi), trú tại thôn Điền Trạch, cho biết: “Trước đây, đất này của xã cho các hộ dân thuê trồng keo. Không hiểu lý do gì mà năm nay không cho thuê nữa. Mấy tháng nay thấy doanh nghiệp mang máy đến khai thác”.

Không chỉ khai thác trái phép, bừa bãi làm thất thoát nguồn tài nguyên đất, mà việc khai thác cát còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân nơi đây.

Người dân nơi đây còn cho biết thêm, hàng ngày có khoảng hàng trăm xe chở đất chạy qua, mui không được che chắn nên gây ra tình trạng bụi bặm. Ngày trời nắng, chỉ cần một chiếc xe máy chạy qua là bụi bay mù mịt. Nhưng chỉ cần vài hạt mưa, đất kết lại khiến đoạn đường trơn trượt rất nguy hiểm.

Chưa được cấp giấy phép khai thác nhưng đồi Gấc đã bị tan hoang.

Anh Lê Văn Huy (37 tuổi), thôn Điền Trạch, bức xúc nói: “Tôi chẳng hiểu chính quyền cho doanh nghipệp mang đất đi lấp hồ ở đâu mà xe chạy suốt ngày, khiến đường sá bụi bặm”.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với báo chí, Ông Nguyễn Văn Long- Phó chủ tịch UBND xã Thọ Lâm, cho biết: Ở Đồi Gấc, xã đã xin Phòng Kinh tế hạ tầng của huyện cấp phép để hạ mặt bằng tái định cư. Số đất khai thác chính quyền mang đi lấp hồ và san đường trong xã. Số còn lại cho doanh nghiệp sử dụng để lấy kinh phí san lấp mặt bằng.

Khi phóng viên hỏi, Phòng Kinh tế hạ tầng không có thẩm quyền cấp phép để khai thác đất mà vẫn cấp phép cho chính quyền xã khai thác hay sao, vị lãnh đạo này ậm ừ: Chắc bên Phòng Kinh tế hạ tầng đã chuyển sang cho bên Phòng Tài nguyên và Môi trường. Muốn nắm rõ, các đồng chí cứ ra mỏ đất gặp ông Sự, chủ mỏ đất.

“Còn chỗ hồ Mao Sủi là đất nằm trong dự án xây dựng khu Resort Sao Mai, là dự án của tỉnh nên xã không có thẩm quyền quản lý. Các đồng chí cứ vào trong đó, gặp ông chủ rồi trao đổi nắm rõ thông tin hơn”, ông Long nói.

Ông Lê Năng Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thọ Xuân, cho biết: “Về đồi Gấc, xã đã làm đơn xin Phòng Kinh tế hạ tầng để hạ độ cao, lấy mặt bằng. Tuy nhiên, thẩm quyền cấp phép khai thác thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường nên chúng tôi sẽ kiểm tra và yêu cầu tạm dừng để chờ giấy phép của Sở Tài nguyên và Môi trường để khai thác đúng quy trình hơn”.

“Còn chỗ hồ Mao Sủi, anh em chúng tôi sẽ xuống phối hợp với chính quyền xã tiến hành kiểm tra làm rõ và sẽ thông báo sau”, ông Dũng cho biết.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tác giả: An Khang

Nguồn tin: Báo Kinh tế nông thôn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok