Kinh tế

Thịt bò Mỹ có thể đi qua Việt Nam để sang thị trường Trung Quốc

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng cần tính toán những ảnh hưởng xấu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam.

Trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang cận kề, nhiều ý kiến lo ngại tình trạng Trung Quốc tuồn hàng sang Việt Nam, làm giả xuất xứ để xuất đi Mỹ, tại cuộc họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 7-2018 vào chiều 1-8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng với tình hình như hiện nay cần tính đến những trường hợp xấu nhất mà cuộc chiến thương mại ảnh hưởng đến Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định hàng Trung Quốc có thể sang Việt Nam để hưởng ưu đãi xuất đi Mỹ. Tuy nhiên, ông Hải cũng không loại trừ trường hợp ngược lại khi hàng Mỹ có thể sẽ vào Việt Nam để đi sang Trung Quốc như các mặt hàng về thực phẩm cao cấp, thịt bò.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương đã có đề xuất và báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định 31/2018 có hiệu lực từ ngày 8-3-2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá và Nghị định này cũng quy định về xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và áp dụng với thương nhân, cơ quan tổ chức, cá nhân khác…

Ảnh minh họa

Với quy định này, tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có hàng hóa đến Việt Nam và đi các nước khác đều được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, không riêng hai nước đang xảy ra chiến tranh thương mại như Mỹ và Trung Quốc.

Cũng theo ông Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương đã ban hành các quyết định về kế hoạch đấu tranh chống vi phạm trong sản xuất kinh doanh hàng hóa như chống giả mạo xuất xứ, thực hiện quyết liệt đến năm 2020.

"Đồng thời chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan hạn chế tốt nhất tình trạng hàng hóa như trên có thể xảy ra" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Trả lời báo chí về việc trước diễn biến căng thẳng leo thang do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có tính đến bài toán phá giá tiền tạo thuận lợi xuất khẩu hay không, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, cho biết điều hành tỉ giá không vì mục tiêu duy nhất nào mà phải hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tỉ giá phù hợp cân đối vĩ mô, các diễn biến thị trường tiền tệ, ngân hàng.

"Vừa qua, diễn biến giảm giá mạnh của đồng nhân dân tệ (CNY) là đáng lưu ý đối với hoạt động điều hành không chỉ NHNN Việt Nam mà còn cả ngân hàng trung ương các nước trên thế giới. Việt Nam là đối tác thương mại đầu tư của nhiều nước thế giới, nhưng khi điều hành, NHNN không chỉ căn cứ vào diễn biến 1 đồng tiền mà là diễn biến nhiều đồng tiền"- bà Hồng khẳng định.

Cũng theo vị Phó Thống đốc NHNN, diễn biến thời gian qua cho đến hôm nay, tỉ giá trung tâm của Việt Nam đã tăng 1,1% so với cuối năm ngoái, với biên độ cho phép +/-3, tỉ giá liên ngân hàng biến động tăng 2,5% so với cuối năm 2017. Bà Hồng khẳng định đây là diễn biến trong tầm kiểm soát NHNN phù hợp diễn biến xu hướng các đồng tiền trên thế giới và khu vực.

Tác giả: Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok