Xã hội

Thiên tai dữ dội: Cái giá của việc phá rừng

Hơn 100 người chết và mất tích trong đợt mưa lũ vừa qua. Con số đau lòng này có lẽ chưa dừng lại, bởi thiệt hại vẫn chưa được thống kê hết. Cùng với đó, thiệt hại do mưa lũ ước lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu đang gây hậu quả khôn lường tới cuộc sống người dân. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc mất rừng đầu nguồn.

Rừng mất và sự tàn phá của thiên nhiên.

Chất chồng thiệt hại

Theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, số người thiệt mạng trong đợt lũ vừa qua tiếp tục tăng lên, đã có 68 người chết và vẫn còn 34 người mất tích, ngoài ra vẫn còn 32 người bị thương.

Những địa phương bị thiệt hại nặng nhất là Thanh Hóa có 55 ngôi nhà bị đổ sập, Yên Bái 78 nhà đổ, Sơn La 50 nhà, Hòa Bình 32 nhà…

Mưa to, lũ lớn bất thường khiến nước sông dâng cao gây vỡ đê ở một số địa phương. Vụ Quản lý đê điều (Bộ NN&PTNT) cho hay, hiện mực nước trên các sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Mã vẫn còn ở mức cao, có nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố đê điều.

Ước tính sơ bộ trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Thanh Hóa thiệt hại khoảng 2.700 tỷ đồng; Yên Bái thiệt hại 120 tỉ đồng, Hòa Bình có 33 người chết và mất tích, thiệt hại trong mưa lũ khoảng trên 800 tỉ đồng…

Tỉnh Hòa Bình cũng đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp; Hà Nội, nước lũ về đã nhấn chìm nhà cửa, vườn tược vùng bãi sông Hồng.

Cách đây chưa đầy 2 tháng mưa lớn cũng đã gây sạt lở đất, lũ quét tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), huyện Mường La (Sơn La), huyện Nậm Pồ (Điên Biên). Trận lũ khủng khiếp đã khiến 34 người chết và mất tích ở các tỉnh vùng núi phía Bắc; làm 240 ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi (Yên Bái: 50; Sơn La: 183, Lai Châu: 7); sạt lở 26.089 m3 đường quốc lộ qua các tỉnh Điện Biên, Yên Bái; 16.137 m3 đường tỉnh lộ thuộc Điện Biên.

Nhận định từ các chuyên gia, những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tới cuộc sống của con người đang được nhìn thấy rõ hơn bao giờ hết. Không chỉ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, nhiều năm trở lại đây khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Theo đánh giá, ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.

PGS TS Nguyễn Văn Thắng - Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, các số liệu đo đạc thực tế cho thấy những tác động của BĐKH đối với khu vực phía Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đến nhanh hơn dự báo và tác động ngày một nặng nề. Bởi năm 2012 khi đưa ra các kịch bản dự báo về BĐKH và nước biển dâng, một số yếu tố chỉ ở mức nghi ngờ thì đến nay nó đã thực sự hiển hiện.

Tại một hội nghị gần đây nhằm tìm kiếm những giải pháp ứng phó với BĐKH, nhiều con số đã được đưa ra: Dự báo nếu nước biển dâng 100cm sẽ gây ngập phần lớn diện tích của các tỉnh ở ĐBSCL như Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%), Cà Mau (57,69%)…

Trong đó các huyện Giang Thành, An Biên (Kiên Giang), Long Mỹ, Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau)… sẽ có đến hơn 90% diện tích bị ngập.

Đại diện Sở TN&MT các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre cho hay: Tình hình mưa, hạn trên địa bàn mấy năm gần đây cũng diễn biến ngày một khó lường, không còn tuân theo quy luật, tác động trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tình trạng nước biển dâng khiến nước mặn xâm nhập càng sâu vào nội đồng.

Tại ĐBSCL, cuối năm 2015, đầu năm 2016 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây khô hạn kéo dài, kết hợp với sự khan hiếm nguồn nước từ thượng nguồn đổ về tạo nên cơn hạn mặn nặng nề nhất trong gần 100 năm qua, đến mức nhiều tỉnh phải công bố tình trạng thiên tai. Không chỉ ở ĐBSCL mà ngay tại TP.HCM cũng phải hứng chịu những tác động rõ rệt của BĐKH.

Nếu như trước đây phải đến vài chục năm mới xuất hiện một trận mưa hơn 100mm, thì những năm gần đây mỗi năm có đến vài trận, thậm chí có những trận lượng mưa lên đến 200mm. Để ứng phó với diễn biến bất thường của lũ, ĐBSCL đã phải lên kế hoạch điều chỉnh sản xuất thích ứng với lũ.

Khi tấm rào cản thiên nhiên bị tàn phá

Lý giải nguyên nhân đợt mưa lũ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho rằng do tác động của hai hình thái thời tiết gồm áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh.

Thôn Nhị Cát nằm sát cầu sông Tào (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bị thiệt hại nặng do đợt mưa lũ bất thường vừa qua.

Thông thường vào mùa Thu, chỉ không khí lạnh, hoặc là áp thấp nhiệt đới đã gây mưa to. Nhưng mấy ngày qua, hai yếu tố này lại kết hợp tạo nên một đợt mưa lớn, rất nhiều điểm mưa trên 400mm. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là ảnh hưởng của BĐKH, khiến các trận mưa có tính cực đoan và khó lường.

Một câu hỏi lớn cũng đang được đặt ra, bão số 10 - cơn bão đã được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhận định là cơn bão mạnh trong lịch sử những năm gần đây, nhưng chỉ làm 6 người chết.

Còn sau đợt áp thấp nhiệt đới vừa đi qua, mưa lũ đã làm gần 70 người chết và vẫn còn 38 người mất tích. Liệu có hay không tâm lý chủ quan, tình trạng “lệch pha” trong dự báo thời tiết?

Theo ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thì việc phá rừng là câu chuyện lớn và rất nhức nhối. Hiện nay chúng ta đã phải trả giá cho những việc đó và còn phải tiếp tục nữa.

Vì để trồng được những cánh rừng nguyên sinh như thế, đúng nghĩa là những tấm giáp chắn giúp điều tiết nước cũng như môi trường sống thì phải hàng chục năm hoặc lâu hơn nữa mới có thể đáp ứng được. Cùng với đó việc điều hành, vận hành các hồ thủy điện vừa qua cũng đang có vấn đề bất cập, cần sớm phải thay đổi.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ TNMT) phân tích: BĐKH là tác nhân gây ra lũ lụt, sạt lở.

Song cũng cần phải nhấn mạnh, con người đang “tiếp sức” cho những sự tàn phá ấy. Rừng đầu nguồn bị chặt phá, rừng nguyên sinh bị thay thế bởi cây công nghiệp ngắn ngày, trong khi đó công tác thâm canh thiếu khoa học và mất cân đối, lấy ngắn để ăn vậy làm sao giữ được đất, màu.

Năm nay, theo thống kê, chưa phải là năm có nhiều đợt bão, áp thấp nhiệt đới, nhưng nhiều địa phương đang phải vật lộn và gánh chịu những đợt lũ lụt nghiêm trọng, thiệt hại về người và của cải. Thượng nguồn không gì chặn, mưa lớn sẽ khiến cường độ lũ về, sạt lở ngày càng khủng khiếp.

Theo ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Yên Bái: Nếu ví đồi núi như một tấm phản, đất màu gặp mưa lớn như đám bùn đất ốp lên, thì chỉ nghiêng tấm ván, mọi thứ sẽ trôi hết.

Tình trạng biến đổi địa tầng đất có nhiều biến động khó lường, giống như tấm ván ấy, là một trong những nguyên nhân của sạt lở, lũ lụt bây giờ.

Rừng là tấm rào cản, làm chậm quá trình trơn trượt. Song, do quản lý không chặt, do ai đó vì lợi ích bản thân đã tàn phá tấm rào cản của thiên nhiên, khiến mưa lớn thượng nguồn, đất màu trôi tuột, còn trơ lại đá núi.

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây ra rất nhiều sự thay đổi, hiện hữu từng ngày từng giờ. Có thể kể đến nhiệt độ trung bình năm tăng 0.5 độ C trong vòng 70 năm.

Số lượng các đợt không khí lạnh giảm đáng kể trong vòng 2 thập kỷ, đã rét đậm là rét hại. Hình thái bão thay đổi và bão với cường độ lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Mực nước biển dâng lên khoảng 20 cm trong vòng 50 năm…

Tác giả: Tuấn Việt – Minh Quang

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

  Từ khóa: thiên tai , phá rừng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok