Trong nước

Thi tuyển sòng phẳng, nạn "chạy chức, chạy quyền" hết đất sống?

Thi tuyển cạnh tranh là 1 trong 6 nhóm giải pháp được Ban Tổ chức Trung ương đưa ra nhằm chặn nạn “chạy chức, chạy quyền” và chọn được người tài.

Vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương đã dự thảo chuyên đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ, đưa ra lấy ý kiến lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Mục tiêu Ban Tổ chức Trung ương hướng tới là bốn không gồm: "Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy".

Cơ quan này đưa ra 6 nhóm giải pháp, trong đó trước mắt tập trung vào "không thể chạy và không dám chạy", giải pháp thi tuyển cạnh tranh được đưa lên hàng đầu.

Thi tuyển cạnh tranh sẽ chặn đứng nạn "chạy chức, chạy quyền" (Ảnh minh họa)

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương nhận định, cơ chế thi tuyển sẽ chống được những thực trạng nhức nhối đang tồn tại hiện nay đó là nạn “chạy chức, chạy quyền”; thủ trưởng đơn vị mất dân chủ, áp đặt, ưu ái, nâng đỡ người cùng ê-kíp và nạn bổ nhiệm con ông cháu cha.

“Từ thời tôi còn công tác, thi tuyển cạnh tranh đã được áp dụng thí điểm tại trường đại học Bách Khoa và nhà máy điện- bất cứ ai đủ năng lực, đủ tài sẽ có cơ hội ứng thí khách quan, công bằng, có như thế mới chọn được người tài”, ông Vũ Đình Hương nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Đình Hương, “việc thi tuyển sẽ tạo ra sân chơi sòng phẳng tuy nhiên theo tôi, cách thi tuyển cũng vô cùng quan trọng, đảm bảo không bỏ lọt người tài. Muốn thi tuyển tốt phải đảm bảo 3 yếu tố: cụ thể tiêu chí với từng chức danh, quy trình thực hiện thi tuyển và cơ chế thi tuyển. Nếu chúng ta làm tốt được việc này sẽ thể hiện tính minh bạch, công khai, dân chủ và đặc biệt, sẽ chọn được đúng người tài trong công tác cán bộ.

Thi tuyển chức danh, ngoài bằng cấp thì phải cụ thể tiêu chuẩn đức, tài của Trung ương- ví trí đó cần cụ thể hóa những tiêu chí như: không tham nhũng, không vơ vét tư lợi cá nhân; đảm đương được nhiệm vụ, dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình; không bổ nhiệm con em cháu cha... Cơ chế thi tuyển phải có hội đồng giám sát.

Thi tuyển mà không có tiêu chí cụ thể thì sẽ nảy sinh tình trạng bỏ sót người tài. Ngay cả trong công tác thi tuyển công chức cũng cần có tiêu chí cụ thể tránh phát sinh trường hợp như ở Cà Mau vừa qua, đỗ thành trượt”.

Đồng tình với quan điểm của nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên ủy ban Tư pháp của Quốc Hội cho rằng, 6 nhóm giải pháp chống "chạy chức, chạy quyền” mà Ban Tổ chức Trung ương đưa ra, đặc biệt là giải pháp thi tuyển cạnh tranh sẽ hạn chế được những bất cập đang tồn tại và chọn ra được người tài.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Bá Sơn, lựa chọn cán bộ công chức đạt được tiêu chuẩn không chỉ phụ thuộc vào việc thi tuyển mà là tổng hợp các giải pháp khác như đề án mà Ban Tổ chức Trung ương đã đưa ra.

Vị ĐBQH này cũng đưa ra đánh giá, nếu chỉ xem xét riêng về vấn đề thi tuyển và thực tế thi tuyển thời gian qua, cần có những vấn đề cần được điều chỉnh. Bởi, có thực trạng người có trình độ học vấn, phẩm chất đạo đức lại không đỗ khi thi tuyển vì thiếu tiêu chí cụ thể.

"Thi tuyển là câu chuyện chuyên môn của những chuyên ngành khác nhau, ngành y tế khác với quản trị hành chính, do vậy chúng ta phải có những bộ đề, cuộc thi dành cho những đối tượng khác nhau chứ không phải thi tuyển chung chung. Việc thi tuyển phải cụ thể hóa hơn nữa, không thể bắt bác sĩ làm đề thi về hành chính. Điều quan trọng là phải có tiêu chí cụ thể cho từng vị trí, chức danh.

Thi tuyển vị trí nào phải tuyển dụng đúng vị trí đó mới phát huy năng lực của cán bộ công chức, nếu không sẽ không đạt được yêu cầu đặt ra của công tác thi tuyển”, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn nêu quan điểm.

Tác giả: Hương Lan

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok