Theo báo cáo thường niên của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong năm 2017 doanh số xe nhập mỗi nhập trung bình mỗi tháng đạt gần 6.500 chiếc.
Làm một phép tính so sánh đơn giản, chưa tháng nào của năm 2018, doanh số xe nhập có thể cao hơn con số trung bình của năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm, cao điểm nhất là tháng 1/2018 với 5.451 xe, thời điểm các hãng còn xe dự trữ và trùng dịp mua sắm trước Tết nguyên đán.
Xe nhập khẩu giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2018. |
Nguồn cơn cho sự khó khăn của xe nhập đã được nhắc tới từ cuối tháng 10 năm ngoái, đó là sự ra đời của Nghị định 116. Chưa kịp xoay xở, xe nhập khẩu lại nhận thêm một "gáo nước lạnh" Nghị định 125 - miễn thuế nhập khẩu linh kiện cho những doanh nghiệp đủ điều kiện. Viễn cảnh ôtô hưởng thuế nhập khẩu 0% thống trị thị trường bị dập tắt, nhường chỗ cho một hiện thực rằng, xe lắp ráp sẽ lên ngôi.
Và mọi thứ đều thể hiện rõ qua những con số trong báo cáo bán hàng VAMA. Tính đến hết tháng 5/2018, doanh số bán hàng xe lắp ráp tăng 10%, trong khi mức giảm của xe nhập khẩu lên tới 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc đua "kép" của ôtô nhập khẩu
Cuộc chạy đua của các hãng có ôtô nhập khẩu không còn chỉ phụ thuộc vào tính năng, công nghệ và giá bán như trước đây mà còn là chính sách. Hãng nào có xe về trước nắm lợi thế rất lớn sau khi Nghị định 116 chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2018.
|
Honda là doanh nghiệp đầu tiên đưa xe hưởng thuế 0% về Việt Nam, giúp mẫu CR-V 2018 nhanh chóng lọt top danh sách bán chạy, Jazz và Civic đều có doanh số tốt. Chevrolet mang Trailblazer và Colorado về sớm hơn đối thủ, dẫn đầu doanh số phân khúc SUV cỡ trung và bán tải trong tháng 5, một vị trí mà trước đây hãng xe Mỹ chưa một lần chạm tới.
Cho đến hiện tại, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh ôtô tại Việt Nam đều đã có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại VTA từ phía chính phủ các nước, trừ Lexus và một vài vẫn loay hoay do chính phủ Nhật Bản không cấp loại giấy tờ này.
"Khi đã làm quen với các thủ tục của Nghị định 116, những đợt hàng sau sẽ trôi chảy và dễ dàng hơn", Tổng Giám đốc một hãng xe tại Việt Nam nói với truyền thông.
Khi Nghị định 116 có lời giải. Lúc này, các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô quay trở lại cuộc chạy đua về sản phẩm để cạnh tranh với ôtô lắp ráp, vì cuộc chiến nửa cuối 2018 vẫn đang chờ.
Bên cạnh việc đưa về những mẫu xe bán tốt như Toyota Fortuner, Toyota Hilux, Ford Ranger, Mitsubishi Triton hay Nissan Navara, các doanh nghiệp kinh doanh ôtô rục rịch đưa về nhiều "tân binh" lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Toyota có Rush và Wigo, gần như phủ kín mọi phân khúc. Fortuner bổ sung thêm bản máy dầu số tự động, gây chú ý tới cả nhóm khách hàng cá nhân và kinh doanh dịch vụ. Honda mang về HR-V. Mitsubishi nhập khẩu Xpander từ Indonesia.
Xe lắp ráp thống trị hầu hết phân khúc phổ thông
Có một thực tế rằng nhu cầu mua xe của người Việt đang tăng lên, thị trường đang thiếu ôtô nhập khẩu là lúc xe lắp ráp hưởng lợi. Bảng xếp hạng 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường tháng 5/2018 "đọc tên" 9 mẫu xe lắp ráp, còn lại là Honda CR-V.
Ở phân khúc hatchback hạng A là sự thống trị của Kia Morning với 849 xe. Số liệu này không nhắc đến Grand i10 do Hyundai Thành Công không cung cấp báo cáo bán hàng. Cái tên Suzuki Celerio nhập khẩu từ Thái Lan không có doanh số.
Xe lắp ráp đang đứng đầu hầu hết phân khúc ôtô phổ thông. Ảnh: Vũ Xuân Lộc. |
Toyota Vios vẫn đứng đầu ở phân khúc sedan hạng B bấy lâu nay, doanh số tháng 5/2018 đạt 2.286 xe. Đứng ngay dưới là Honda City với 876 xe. Trong khi đối thủ nhập khẩu Mitsubishi Attrage doanh số giảm mạnh, Suzuki Ciaz không có doanh số.
Ở sedan hạng C, Mazda3 đứng đầu với 1.139 xe, tiếp đến là Kia Cerato với 1.045 xe và Toyota Altis với 540 xe. Honda Civic may mắn có hàng sớm, đạt doanh số 454 xe.
Còn lại, Toyota Camry dẫn đầu phân khúc hạng D với 423 xe, Toyota Innonva dẫn đầu phân khúc MPV cỡ trung với 1.503 xe, Kia Sedona dẫn đầu phân khúc MPV cỡ lớn 205 xe, Mazda CX-5 dẫn đầu phân khúc crossover với 1.055 xe.
Ở phân khúc SUV cỡ trung, Kia Sorento không bán chạy tại Việt Nam, nhưng bất ngờ vươn lên vị trí thứ 2 với 141 xe, dưới doanh số 164 xe của Trailblazer trong tháng 5/2018. Phân khúc bán tải không có sự tham gia của xe lắp ráp.
Dù ôtô lắp ráp dẫn đầu hầu hết phân khúc phổ thông, nhưng nhiều doanh nghiệp lắp ráp trong nước cho rằng Nghị định 125 vẫn chưa đủ. Bởi khi đường về của ôtô hưởng thuế nhập khẩu 0% khai thông, việc tăng ưu đãi như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị tạo ra trong nước là rất quan trọng xe lắp ráp không bị lép vế trước làn sóng xe nhập khẩu.
Tác giả: Thế Anh
Nguồn tin: zing.vn