Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra các khâu theo thẩm quyền; UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi trên địa bàn; tăng cường phân cấp, phân quyền cho các Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục ĐH, trường cao đẳng trong công tác tổ chức, tham gia thanh tra, kiểm tra.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh tới 3 không khi hoạt động thanh kiểm tra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là: không bỏ sót, không tạo kẽ hở- khoảng trống, không bị động.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (áo trắng bên phải) kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Khánh Hòa. Ảnh: Nghiêm Huê |
Đồng thời hạn chế tối đa việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Bảo đảm điều động cơ sở giáo dục ĐH, trường cao đẳng làm nhiệm vụ phù hợp, khách quan; hạn chế tối đa việc bố trí cơ sở giáo dục ĐH, trường cao đẳng của địa phương làm việc trực tiếp tại địa phương.
Ông Nguyễn Đức Cường thông tin năm 2022 thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 Sở GD&ĐT (không trùng lặp với các đoàn của Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia). Thành lập 5 đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia, mỗi đoàn do 1 lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn và các thành viên Ban chỉ đạo tổ chức kiểm tra tại các địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi.
“Để giữ kỳ thi an toàn, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra là rất lớn. Làm sao để vừa nghiêm minh, vừa hài hòa nhưng cũng nhân văn, nhân ái; đảm bảo đúng quy chế, quy định nhưng cũng thân thiện, ứng xử phù hợp”. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng |
Công tác coi thi, năm 2022, Bộ thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở GD&ĐT; dự kiến điều động 141 cơ sở giáo dục ĐH với tổng số 6.645 người làm công tác thanh kiểm tra và điều động 127 người từ 63 sở GD&ĐT phối hợp cùng 135 người từ 63 cơ sở giáo dục ĐH kiểm tra công tác chấm thi. Thành lập 5 đoàn kiểm tra, kiểm tra lưu động từ 10 đến 15 sở GD&ĐT trong quá trình chấm phúc khảo.
Tuyệt đối không chủ quan
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tập huấn thanh tra ở Vĩnh Phúc ngày 17/6, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng có tới 5 yếu tố đảm bảo cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt yêu cầu chất lượng đề ra.
Trước hết công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải vừa toàn diện, vừa trọng tâm, trọng điểm.
Liên quan đến việc phối hợp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay: “Kỳ thi diễn ra trên phạm vi rộng, số lượng chủ thể tham gia kỳ thi rất đông, do đó các lực lượng tham gia cần phối hợp tốt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ phương pháp và rõ trách nhiệm”.
Riêng đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng lưu ý, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng là rất quan trọng, qua đó vừa giữ được kỷ cương, kỷ luật trường thi, nghiêm túc, nhưng cũng không tạo ra áp lực không cần thiết cho thí sinh cũng như các lực lượng.
“Nhiều cán bộ thanh tra, kiểm tra kỳ thi đã có nhiều năm làm công việc này nhưng cẩn thận bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một sơ suất nhỏ, hệ lụy, tác hại sẽ là rất lớn. Do đó tuyệt đối không được chủ quan, cần bao quát hết các công việc, kể cả việc biết rồi cũng phải nghiên cứu chu đáo, kỹ lưỡng hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết đến thời điểm này, còn 33 Sở GD&ĐT chưa gửi kế hoạch thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 về Thanh tra Bộ GD&ĐT.
Tác giả: Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền phong