Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, từ năm học 2019 - 2020, thí sinh thi tuyển vào lớp 10 sẽ phải thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn và lựa chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học). Tổ hợp thi sẽ do Sở chọn và công bố vào cuối tháng 3 hàng năm.
Đánh giá trước thông tin về đổi mới thi cử của Hà Nội, thầy Lê Anh Tuấn - Giáo viên Toán trung học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI.VN cho rằng, việc tổ chức kỳ thi này mặc dù khá gấp gáp vì chỉ được thông báo trước 1 năm.
Tuy nhiên, đánh giá chung đây vẫn là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với sự đổi mới của toàn ngành giáo dục, bởi vì việc đổi mới là để: Đảm bảo tính liên thông, tính thống nhất với xu hướng thi đánh giá năng lực của kì thi THPT Quốc gia. Việc thi tổ hợp tránh học lệch và kiểm tra được kiến thức tất cả các môn của học sinh.
Nhiều ý kiến lo lắng học sinh sẽ áp lực hơn nếu thi nhiều môn trong kỳ thi vào 10. Ảnh: Q.A |
Song thầy Lê Anh Tuấn cũng có nhiều băn khoăn bởi chương trình học lớp 9 hiện nay khá nặng với học sinh, kiến thức chương trình lớp 9 chính là kiến thức nặng nhất trong chương trình THCS. Thế nên với việc phải học kiến thức nặng ở năm cuối cấp, mà lại phải thi tổ hợp nhiều môn, sẽ khiến áp lực với học sinh nặng hơn. Việc học nhiều và ôn thi nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới học sinh, các em không còn thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động ngoại khóa.
“Thi nhiều môn, áp lực học tập lẫn điểm số sẽ đè nặng lên tâm trí các em. Không những ảnh hưởng tới các em mà còn ảnh hưởng tới cả gia đình các em. Bình thường các em chỉ tập trung ôn luyện cho 2 môn Toán và Ngữ văn để thi, giờ lại dàn trải nhiều môn, học thêm nhiều môn, sẽ tạo ra một cuộc chạy đua học thêm dạy thêm nếu chủ trương không được thực hiện đúng, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình các em” - thầy Anh Tuấn lo lắng trước áp lực có thể tăng với học sinh.
Đưa ra lời khuyên tới các học sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, thầy Anh Tuấn cho biết, các em cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến phương thức tuyển sinh mới, nắm chắc cấu trúc, hình thức đề thi (nhất là ở bài thi tổ hợp) để có định hướng cho việc học tập, ôn luyện. Đặc biệt, cần đánh giá được đúng sở thích lẫn năng lực của mình thiên về hướng tự nhiên hay xã hội từ đó có định hướng ôn ngay từ năm lớp 8.
Chắc chắn kỳ thi sẽ tạo cảm giác căng thẳng hơn vì phải thi nhiều môn. Tuy nhiên, cũng giống như kì thi THPT Quốc gia đã diễn ra 1 năm, nếu chủ trương của Sở GD&ĐT Hà Nội đề thi đảm bảo được việc đánh giá năng lực nhưng không đánh đố, hạn chế học thêm dạy thêm thì chắc chắn áp lực như đã lo ngại sẽ giảm dần đi. Kì thi đáp ứng được đúng mục đích đánh giá toàn diện học sinh nhưng không gia tăng áp lực học thi với học sinh. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nên ra đề thi minh họa sớm, năm đầu tiên có thể ra nhiều hơn một lần đề minh họa.
“Thi theo đánh giá năng lực là xu hướng chung của toàn ngành giáo dục, nhiều địa phương cũng đã tiến hành. Mặc dù thi nhiều môn, học sinh phải học nhiều hơn, nhưng nếu việc ra đề thi hay, đảm bảo học gì thi đấy, thi nhẹ nhàng thì chắc chắn sẽ thành công. Các em học sinh cũng không nên quá lo lắng, vì nếu khó thì khó chung, dễ thì dễ chung nên các em cứ chủ động học tập, không cần hoang mang” - Thầy Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Tác giả: QUANG ANH
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại