Giáo dục

Thi THPT quốc gia không phải để chọn nhân tài nên trắc nghiệm là phù hợp

Chiều ngày 13/9, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về phương án thi năm 2017 do Bộ GD&ĐT đưa ra, hầu hết các ý kiến đều đồng tình, ủng hộ phương án tổ chức thi trắc nghiệm và cho rằng phù hợp với kỳ thi tuyển chọn số đông hiện nay vì tính khách quan công bằng.

Bộ GD&ĐT giải đáp “nóng” về áp dụng thi trắc nghiệm năm 2017


Thi trắc nghiệm đánh giá toàn diện học sinh

TS Lê Viết Khuyến cho biết, cách đây 2 năm Hiệp hội đã có văn bản góp ý gửi lên Bộ GD&ĐT về phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH,CĐ và tháng 7 vừa qua Hiệp hội cũng đã gửi góp ý thi lên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Với góp ý này, Hội đề nghị đề thi và đáp án phải được xây dựng dưới dạng trắc nghiệm khách quan là chủ yếu, hướng tới sự chuẩn mực (như Đại học quốc gia Hà Nội đã và đang thực hiện). Với kiểu đề thi như vậy kết quả thi có thể dùng cho một số năm và trong trường hợp thi trên máy tính (như Đại học Quốc gia Hà Nội đang làm) có thể hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử, tiết kiệm thời gian, công khai kết quả sau khi thi và loại bỏ tình trạng thi cử căng thẳng, dồn dập như hiện nay.

Đề thi cần bám sát yêu cầu của chương trình đào tạo trung học phổ thông để đánh giá năng lực người học. Không chạy theo thành tích dẫn tới tỷ lệ tốt nghiệp quá cao một cách vô lý.

“Chúng tôi rất không hài lòng, mỗi kỳ thi tốt nghiệp có tới 99% tỷ lệ đỗ. Bên cạnh đó, đây không phải là kỳ thi tuyển chọn nhân tài mà kỳ thi phân loại dành cho số đông nên thi trắc nghiệm khách quan là phù hợp nhất, đánh giá toàn diện học sinh nhất ở hầu hết các môn học. Nếu tiếp tục dùng thi theo hình thức tự luận sẽ không khách quan” – TS Khuyến nhấn mạnh.

“Nếu Bộ tiếp tục duy trì như kỳ thi 2016 với 3 môn bắt buộc và các môn còn lại là tự chọn như vậy đã dẫn đến tình trạng học sinh học lệch, học tủ, ngay từ đầu lớp 10. Từ đó, mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh THPT tại Nghị quyết 29 không đạt được. Trước đây, Hiệp hội chúng tôi đã nhiều lần góp ý điều hệ trọng này như không được chấp nhận. Do đó, Hiệp hội ủng hộ phương án đổi mới thi năm 2017 của Bộ GD&ĐT” – TS Khuyến bày tỏ.

Đồng quan điểm, GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã đưa ra biện pháp so sánh giữa thi trắc nghiệm với thi tự luận. Cụ thể: phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với tự luận. Bởi thi trắc nghiệm thì chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào chất lượng của đề thi và chấm thi không bị ảnh hưởng. Còn phương pháp tự luận, chất lượng kỳ thi phụ thuộc năng lực người chấm.

Chất lượng đề thi có thể khắc phục được bằng việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, nhiều người tham gia vào. Còn dùng phương pháp tự luận, trong thời gian ngắn chấm hàng triệu bài thi thì không thể nào tìm được người giỏi để chấm, người chấm không đủ trình độ, chất lượng kỳ thi tất yếu sẽ kém.

Theo GS Thiệp, không phải ngẫu nhiên mà thế giới thi trắc nghiệm là chính. Đối với các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn thì phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo. Đây là phương án mà Hiệp hội đã đề nghị bộ cách đây 2 năm. Tôi rất ủng hộ phương án này là đương nhiên.

Riêng đối với môn Toán, Sử hiện tại có nhiều ý kiến phản đối, theo GS Thiệp cho rằng, đây là thi THPT Quốc gia để phân loại thôi chứ chưa phải là tuyển chọn nhân tài. Nếu tuyển chọn nhân tài thì tuyệt đối không nên dùng trắc nghiệm. Mục tiêu của kỳ thi là chỉ kỳ thi để phân loại. Thí sinh dự thi với quy mô lớn thì thi tự luận là không phù hợp.

GS Thiệp cho hay, Hiệp hội đề nghị cả Ngữ văn, Toán đều thi trắc nghiệm nhưng cho 30 phút học sinh làm phần tự luận.

Cần công bố rõ ràng số lượng câu hỏi khó, câu hỏi dễ

Với câu hỏi đặt ra là liệu Bộ có đủ khả năng và thời gian để soạn ra các đề thi tốt không?

GS Thiệp cho rằng, câu này khó trả lời vì tùy Bộ tổ chức kì thi này như thế nào. Phương hướng lựa chọn môn thi là tốt, nhưng tổ chức để có kỳ thi tốt phụ thuộc vào bộ có huy động được những chuyên gia có năng lực, hiểu biết để tham gia vào kỳ thi hay không.

Cùng quan điểm ủng hộ phương án thi năm 2017 của Bộ GD&ĐT, PGS Nguyễn Phương Nga (ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh lại, thi tốt nghiệp THPT không phải là kỳ thi chọn nhân tài nên thi trắc nghiệm là phù hợp. Còn lựa chọn xét tuyển các thí sinh tốt nghiệp này vào các trường đại học đó là quyền của các trường. Mỗi thí sinh có một đề thi là lý tưởng, không thể chuyển đề thi ra ngoài được. Chấm điểm bằng máy sẽ không còn hiện tượng thầy cô chi phối vào kết quả điểm.

PGS.TS Nga cho rằng, phương pháp thi như thế nào không ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Thi tự luận hay trắc nghiệm, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm của nó. Tuy nhiên, ra đề thi trắc nghiệm khó hơn ra đề thi tự luận. Mục đích của kỳ thi THPT quốc gia là phân loại học sinh, vậy nên cần phải thi theo hình thức thi trắc nghiệm. Do đó, các thầy cô cần dạy đúng chương trình, học sinh không phải lo lắng nhiều vì thời gian còn đủ để ôn tập.

Tuy nhiên, điều PGS Nga lo lắng nhất là phải có ngân hàng câu hỏi tốt, nhưng đây là việc của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và của Bộ GD&ĐT.

PGS.TS Nga cũng đề nghị, khi công bố đề thi, Bộ GD&ĐT cần công bố rõ ràng, đề thi có bao nhiêu phần trăm câu hỏi khó và bao nhiêu phần trăm câu hỏi dễ.

“Bộ GD&ĐT khi lấy đề thi trong ngân hàng của ĐH QGHN nên chọn lọc vì đây là đề thi dành cho xét tuyển đại học chứ không phải dành cho tốt nghiệp THPT” – Bà Nga lưu ý.

Đối với xét tuyển đại học, PGS.TS Nga đồng ý với quan điểm của Bộ GD&ĐT là để các trường thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo luật. Tuy nhiên, Bộ phải có chế tài để các trường công bố phương án tuyển sinh của mình như thế nào sau khi Bộ ban hành phương án thi mới để thí sinh biết.

Thí sinh xếp hàng tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia Hà Nội


Nên giao hẳn kỳ thi THPT cho các tỉnh

Hiệp hội cũng đề nghị, từ năm 2017 Bộ nên giao hẳn công việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia cho các tỉnh, quy định trách nhiệm cho người đứng đầu tỉnh - thành nếu để xảy ra tiêu cực tại địa bàn do mình phụ trách, đồng thời đề cao vai trò giám sát xã hội, trong đó có sự tham gia của Hồi đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc và giới truyền thông.

Đối với xét tuyển ĐH,CĐ, lãnh đạo Hiệp hội cho rằng, Bộ GD&ĐT đã tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh (như quy định tại Điều 34 Luật Giáo dục đại học) là đúng.

Tuy nhiên Bộ cần mạnh dạn giao cho một trung tâm khảo thí trong vai trò của một tổ chức dịch vụ công ích đảm nhận tổ chức việc xét tuyển sinh chung cho phần lớn các trường, khi các trường có đề nghị. Để vừa thỏa mãn nguyện vọng lựa chọn ngành đào tạo của người học, đồng thời tôn trọng tiêu chí tuyển sinh riêng biệt của từng trường, Bộ nên chọn phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán “chấp nhận trì hoãn” do Trường đại học Thăng Long đề xuất.

Chỉ tiêu tuyển sinh và tiêu chí tuyển sinh vào các trường cần được xem xét chặt chẽ xuất phát từ năng lực đào tạo và sứ mệnh (bậc, hạng) của mỗi trường. Riêng các trường thuộc hệ thống đại học cộng đồng (105 trường) và các trường tư không bị khống chế về nguồn tuyển, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học.

Nên cho phép các trường tổ chức xét tuyển vào đại học và cao đẳng mỗi năm hai hoặc nhiều lần.

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok