Giáo dục

Thi THPT quốc gia 2017: Đề thi khác nhau 80% cho mỗi thí sinh

Các thí sinh trong cùng phòng thi dự kiến sẽ có một mã đề với đa số câu hỏi khác nhau. Điều này khiến dư luận có 2 quan điểm mâu thuẫn: kỳ thi khách quan hơn hay thiếu công bằng hơn nếu đề không cùng mức độ?

a1 ZYIF
Dự kiến mỗi thí sinh trong cùng phòng thi sẽ có một đề thi riêng, với mức độ trùng lặp câu hỏi mỗi môn 20% ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngân hàng câu hỏi có đủ lớn ?

Khi công bố dự thảo phương án thi THPT, Bộ GD-ĐT cho biết mỗi thí sinh (TS) trong cùng phòng thi sẽ có một đề thi riêng, với mức độ trùng lặp câu hỏi mỗi môn chỉ 20%. Đây sẽ là hàng rào kỹ thuật nhằm đảm bảo tính nghiêm túc cho kỳ thi được giao cho các sở GD-ĐT chủ trì, tránh tình trạng TS quay cóp nhau trong quá trình làm bài. Khi ban hành phương án thi THPT chính thức, Bộ đã điều chỉnh thông tin từ mỗi TS một đề thi riêng thành mỗi TS một mã đề riêng.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, đại diện Bộ cho biết phương án thực hiện vẫn như dự thảo công bố ban đầu. Việc thay đổi từ ngữ từ dự thảo so với phương án chính thức chỉ để tránh hiểu lầm, vì khi nói “mỗi TS một đề riêng” có thể nghĩ rằng các câu hỏi của mỗi đề thi hoàn toàn khác nhau. Khi điều chỉnh thành “mỗi TS một mã đề” thì đề thi vẫn có phần giống và khác nhau giữa các TS trong cùng phòng thi.

Trước thông tin này, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, kỳ vọng: “Sự thay đổi này khiến trường an tâm hơn khi đưa ra phương án xét tuyển TS từ kết quả kỳ thi này vào năm tới”. Cũng theo tiến sĩ Lý, việc mỗi TS có một mã đề riêng với phần lớn số lượng câu hỏi khác nhau, điều này chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng quay cóp xảy ra trong quá trình làm bài. Kết hợp với việc chấm thi bằng máy sẽ cho ra kết quả thi khách quan hơn.



Tuy nhiên, tiến sĩ Đặng Quang Quỳnh, nguyên Chủ nhiệm môn phương pháp giảng dạy địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tỏ ra lo lắng về chủ trương này. Tiến sĩ Quỳnh nói: “Tôi không thể lường được cách Bộ sẽ làm để có thể ra được một ngân hàng câu hỏi đủ lớn trước khi thực hiện phương án này. Riêng với môn địa, từ kinh nghiệm làm đề trắc nghiệm nhiều năm trước, với khoảng 40 bài học trong sách giáo khoa địa lý lớp 12 hiện hành chỉ có thể tạo ra tối đa 500 câu hỏi. Vậy để phục vụ cho kỳ thi này với tối thiểu trên 1.000 câu hỏi thì việc tạo ra hàng ngàn câu hỏi là điều không thể. Có chăng tạo ra các câu hỏi khác nhau từ việc sử dụng từ ngữ khác nhau cho cùng vấn đề”.

Có chênh lệch giữa các mã đề thi ?

Nhiều ý kiến còn bày tỏ sự lo ngại có sự chênh lệch về độ khó dễ giữa các đề thi trong một phòng thi nếu sử dụng quá nhiều đề thi khác nhau.

Theo lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM, khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt là trong bối cảnh năm nay, việc chuyển đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm nhiều môn khiến số lượng câu hỏi thi tăng lên nhiều lần. Chẳng hạn môn toán, theo đề thi minh họa mỗi đề có 50 câu, nếu tính số TS tối đa trong mỗi phòng thi 40 người (theo quy định năm 2015), môn này phải có tới 1.600 câu hỏi khác nhau (chưa tính 400 câu hỏi trùng nhau) được đưa vào đề thi. Người này cho rằng, trong một thời gian khá gấp để tạo ra ngân hàng đề thi thì những lo ngại về độ chính xác và tương đồng giữa các đề thi được đặt ra là có căn cứ. Bộ cần tính toán kỹ thêm về phương án này hoặc phải công bố được lộ trình thực hiện cụ thể để TS an tâm.

Đại diện một sở GD-ĐT cũng cho rằng việc ra nhiều mã đề thi khác nhau trong phòng thi sẽ tạo sự khách quan cao hơn với điều kiện đề thi được đánh giá thẩm định công bằng. Tuy nhiên, nếu việc tạo ra đề thi gấp gáp, không đủ thời gian để thẩm định thì sẽ rất nguy hiểm. Với số lượng đề thi tăng lên gấp nhiều lần, chỉ riêng khâu in sao, sắp xếp và vận chuyển đề thi thôi cũng thấy sẽ phức tạp.

Từ góc nhìn của nhà chuyên môn, tiến sĩ Trịnh Thanh Đèo, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng cùng quan điểm khi cho rằng việc sử dụng 80% câu hỏi khác nhau trong đề thi mỗi môn sẽ tạo ra độ chênh lệch ít nhiều. Chỉ tính riêng môn toán, để có những câu hỏi khác nhau ở cùng mức độ khó dễ không đơn giản vì cùng một bài toán nhưng chỉ cần sửa số từ 1 thành 2 thì bài toán có thể đi từ dễ đến khó.

Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn, giảng viên toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng trong cùng môn thi mà số lượng câu hỏi được ra khác nhau ở mức hơn 1.000 câu thì việc có độ “lệch” giữa các đề thi là một thực tế chứ không chỉ là lo ngại. Điều này sẽ xảy ra nếu người làm đề chủ quan khi sắp xếp các câu hỏi khác nhau vào cùng một mức độ dễ, khó hoặc trung bình trong ngân hàng đề thi. Phải qua nhiều kỳ thi với nhiều cải tiến thích hợp thì sự sắp xếp mới dần được hoàn thiện.

Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn đề xuất: “Để hình thành được những đề thi có độ tương đồng cao nhất nên có ngân hàng đề mà phần cứng của các câu hỏi giống nhau và chỉ thay đổi về phần mềm”. Ông Sơn diễn giải, chẳng hạn cùng một mức độ câu hỏi về tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất trên một đoạn nhưng một đề ra hàm số bậc 3 và đề khác ra hàm số bậc 4 thì TS sẽ có sự phân bì. Tuy nhiên, nếu các câu hỏi này được cùng ra ở hàm số bậc 3 thì độ chênh lệch sẽ thấp hơn.

Ông Sơn lưu ý, sự khác nhau giữa các câu hỏi ở đây có thể chỉ là tương đối hoặc về số liệu. Tốt nhất các TS nên nhận được cùng một bộ câu hỏi và cùng một tập các câu trả lời để lựa chọn. Để có các đề thi khác nhau hoàn toàn chỉ cần hoán vị các phương án và các câu hỏi.

Tác giả bài viết: Hà Ánh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok