Gần hai tháng nay, lịch trình hàng ngày của Khánh Ly (Đống Đa, Hà Nội) đều như vắt chanh, sáng ôn bài ở nhà, chiều tới lớp học thêm, đêm tiếp tục ôn bài tới khuya rồi mới đi ngủ. "Nhờ ôn thi, em giảm béo được hơn 2 kg rồi", nữ sinh nặng 47 kg hài hước nói.
Ôn luyện suốt ngày nhưng Ly cho rằng kiến thức vẫn chưa đủ và đối với tuổi 18 như em thì kỳ thi THPT quốc gia là lần "vượt vũ môn" quan trọng trong đời. Ngoài các môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Ly chọn thi thêm môn Vật lý để xét tốt nghiệp, chọn thi Hóa học để xét vào ngành học khối A.
Không có thế mạnh về môn Văn nên Khánh Ly rất lo lắng. Còn một tuần nữa là bước vào kỳ thi, Ly dành thời gian đọc lại các tác phẩm, tác giả văn học và có cảm giác như mình "đang nhồi nhét câu chữ vào đầu". Các môn tự nhiên dù là thế mạnh, Ly vẫn không thực sự yên tâm, liên tục tìm đề giải để có thể làm được những câu khó, có tính phân loại.
Ôn luyện suốt ngày nhưng Ly cho rằng kiến thức vẫn chưa đủ và đối với tuổi 18 như em thì kỳ thi THPT quốc gia là lần "vượt vũ môn" quan trọng trong đời. Ngoài các môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Ly chọn thi thêm môn Vật lý để xét tốt nghiệp, chọn thi Hóa học để xét vào ngành học khối A.
Không có thế mạnh về môn Văn nên Khánh Ly rất lo lắng. Còn một tuần nữa là bước vào kỳ thi, Ly dành thời gian đọc lại các tác phẩm, tác giả văn học và có cảm giác như mình "đang nhồi nhét câu chữ vào đầu". Các môn tự nhiên dù là thế mạnh, Ly vẫn không thực sự yên tâm, liên tục tìm đề giải để có thể làm được những câu khó, có tính phân loại.
Căng thẳng lẫn mệt mỏi vì nắng nóng, nhiều thí sinh thi THPT quốc gia năm 2015 kiệt sức trong phòng thi. Ảnh: Giang Huy.
Kỳ thi rơi vào giữa mùa hè nên Ly cũng lo lắng trời sẽ nắng nóng như năm trước. "Em nhớ năm trước kỳ thi diễn ra đúng lúc nắng nóng gay gắt. Địa điểm em thi không có điều hòa, lại ngồi trên tầng 3 nên chắc sẽ rất nóng", nữ sinh lo âu.
Cùng con chạy đua nước rút những ngày cuối cùng, chị Yến, mẹ của Khánh Ly, cũng căng thẳng không kém. Chị bảo, mỗi lần con thi "vượt cấp" là cả nhà như chuẩn bị ra trận. Cách đây 4 năm, con trai đầu thi khiến nỗi lo của chị kéo dài suốt mấy tháng. Bởi khi đó, hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học còn tách riêng và cách nhau khoảng một tháng.
Giờ, chị không nỡ để Khánh Ly đụng tay vào bất kỳ việc gì như quét nhà, nấu cơm, giặt quần áo mà cho con toàn lực ôn thi. Chị cũng tham khảo chuyên gia dinh dưỡng những loại thức ăn bổ máu, tăng cường trí nhớ. "Nhìn con học ôn tối ngày, người phờ phạc mà tôi không khỏi sốt ruột, chỉ mong kỳ thi nhanh chóng qua đi", chị nói và cho biết thi thoảng cũng lên chùa, hoặc thắp hương gia tiên mong con gái vượt qua kỳ thi được suôn sẻ.
Năm nay thí sinh tỉnh nào thi ở tỉnh đó khiến Vân Anh (Ninh Bình) bớt được mối lo về khâu ăn ở, đi lại. Ở quê vừa xong vụ cấy, nữ sinh tranh thủ giúp gia đình mấy hôm rồi lại tập trung ôn thi. Vân Anh dự định dùng kết quả thi để xét tuyển vào khối B của đại học y. Thí sinh đăng ký đợt 1 không được thay đổi nguyện vọng nên em cân nhắc chọn trường, chọn ngành rất cẩn thận.
Trái ngược với bạn bè, Thành Trung (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) dù lo lắng những vẫn xếp lịch ôn thi, ăn uống, nghỉ ngơi khoa học để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi. Cậu quan niệm kiến thức tích lũy suốt mấy năm THPT nên không thể nhồi nhét vào mấy ngày cuối cùng.
Theo Trung, nhiều bạn nghĩ rằng "yếu gì học nấy" nên bỏ thời gian để ôn luyện những phần kiến thức mình còn thiếu chưa hẳn đã tốt, chỉ nên ôn luyện như vậy lúc có nhiều thời gian. Kỳ thi đến gần nên tập trung học những phần trọng tâm, chủ yếu là kiến thức lớp 12. Đối với môn Văn, nam sinh chỉ vạch đề cương, ý chính để học, thời gian còn lại thì chăm chút cho những môn dùng để xét tuyển. Thi thoảng, phần nào chưa chắc Trung gọi điện hỏi thầy giáo bộ môn tư vấn.
Lịch thi THPT quốc gia năm 2016.
Nam sinh phân bố thời gian buổi sáng ôn bài khoảng 3 tiếng, buổi chiều 2 tiếng rồi đi thể dục thể thao, tối về ôn bài thêm một lúc nữa rồi đi ngủ. Những ngày cận kề thi, Thành Trung giảm bớt cường độ ôn, thay vào đó là dành thời gian ăn, ngủ điều độ để giữ sức khỏe. "Quan trọng nhất vẫn là sức khỏe và tinh thần minh mẫn thì mới làm bài tốt được", Trung nói.
Thi thoảng, Trung dành thời gian để tán gẫu, nghe bạn bè than "sắp bị kỳ thi đè đến ngạt thở". Cậu cũng thường xuyên theo dõi thời sự, đọc báo để cập nhật tin tức vì mỗi vấn đề thời sự đều có thể trở thành đề thi nghị luận môn Văn. "Em chờ sau khi có kết quả thi rồi sẽ quyết định nộp đơn vào học trường kỹ thuật", Trung cho hay.
Theo lịch Bộ Giáo dục công bố, ngày 30/6 tới thí sinh tập trung đến địa điểm thi làm thủ tục, nhận thẻ dự thi và chỉnh sửa sai sót. Kỳ thi THPT quốc gia sẽ kéo dài từ ngày 1 đến 4/7 với 8 môn thi. Trong đó, môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Riêng đề thi môn Ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn.
Cả nước có 70 cụm thi THPT quốc gia do các đại học chủ trì, dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; 50 cụm thi do các Sở Giáo dục chủ trì. Trong đó, TP Hà Nội có 5 cụm thi đại học gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Lâm nghiệp.
TP HCM có 4 cụm thi do các trường đại học chủ trì gồm: Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Sư phạm TP HCM.
Tác giả bài viết: Phương Hòa