Giải trí

Thí sinh Hoa hậu Việt Nam bị chê vụng về, thiếu tình cảm

Với dự án có nhiều chất liệu để lay động lòng người, thí sinh Bảo Ngọc và Mỹ Linh lại thiếu tự nhiên, ít cảm xúc nên không chinh phục được người xem.

18 cô gái phía Bắc của Hoa hậu Việt Nam 2016 vừa tham gia dự án Người đẹp Nhân ái. Họ cùng ban tổ chức đến nhiều địa phương như Côn Đảo, Đăk Lăk, Thái Nguyên để tìm hiểu cuộc sống, hành động góp phần hỗ trợ những khó khăn, thiếu thốn của người dân.

Năm dự án trong tập năm, phát sóng tối 31/8, đều có những câu chuyện hay, khiến giám khảo và khán giả xúc động. Tuy vậy sự thể hiện của một vài cô gái không cho thấy cảm xúc hòa quyện với hoàn cảnh nhân vật.

Mỹ Linh trò chuyện cùng nhân vật Ngô Quang Hiếu.

Trong câu chuyện của thí sinh Nguyễn Hương Mỹ Linh tại khu 9, huyện Côn Đảo có sự xuất hiện của nhân vật Ngô Quang Hiếu. Vốn là thợ lặn tại Côn Đảo, một sự cố khiến anh không còn khả năng nghe và đi lại. Sau đó, vợ anh biệt tích hơn mười năm, để lại cho anh đứa con thơ. Anh Hiếu không cho phép bản thân trở thành gánh nặng của xã hội, tự tay đóng những thanh tre để tập vật lý trị liệu trong nhà. Êkíp của Mỹ Linh tặng anh món quà là bộ dụng cụ thể thao trong nhà. Cả trường quay lặng đi trước nụ cười rạng rỡ của anh Hiếu khi nói: “Có lẽ đêm nay, tôi sẽ mất ngủ”.

Theo dõi dự án, Hoa hậu Giáng My và nghệ sĩ Xuân Bắc cảm thấy tiếc vì họ chưa cảm nhận được cảm xúc của Mỹ Linh trong câu chuyện về nghị lực của nhân vật. Xuân Bắc cho rằng người đẹp quá xa cách với anh Hiếu. "Người ta ngồi xe lăn, còn em lại đứng ở một góc xa. Nếu em ngồi bệt xuống nghe anh ấy trò chuyện, tôi tin là hiệu ứng rất khác", nghệ sĩ nói.

Các giám khảo khác cho rằng người đại sứ không chỉ mang đến món quà về mặt vật chất mà cần chuyển tải cảm xúc và tấm lòng của mình. Nhà báo Trách Thúy Miêu cho rằng Mỹ Linh thiếu năng lượng khi nói chuyện, dẫn đến việc không truyền cảm hứng đến người xem. Ngôn ngữ hình thể hạn chế cũng là một bất lợi với nữ thí sinh, theo Hoa hậu Giáng My.

Giáng My thấy tiếc vì phần thể hiện của Mỹ Linh chưa mang lại cảm xúc cho cô.

Tương tự là trường hợp của thí sinh Nguyễn Bảo Ngọc. Cô triển khai dự án tại chín trường học thuộc diện khó khăn ở tỉnh Gia Lai. Trong khi giao lưu, chơi đùa cùng các em và sắp xếp, sửa sang lại bàn ghế của lớp học, cô nhận ra nguồn điện ở đây thiếu thốn. Giáo viên của trường cho biết họ không dám giảng dạy vào mùa đông vì ánh sáng tự nhiên yếu, ảnh hưởng tới mắt của học sinh. Bảo Ngọc cùng êkip quyết định kéo đường dây điện để bảo đảm ánh sáng đầy đủ vào mùa động, họ còn lắp cả quạt máy trong các lớp học để làm mát vào mùa hè.

Tuy nhiên, trong phần giao lưu khi tiếp xúc với người dân lẫn thể hiện trước ống kính, Bảo Ngọc bị đánh giá là thiếu tự nhiên, như học thuộc lòng để trả bài. Nhà báo Trác Thúy Miêu nói: "Em đã phạm phải những điều ngô nghê đến ngỡ ngàng. Áp lực lên hình đã khiến em sử dụng từ ngữ khô khan và cảm xúc của em bị đông cứng". Riêng diễn viên Chi Bảo đồng cảm với những lo lắng của thí sinh khi chưa quen với máy quay. Anh cho rằng chỉ cần "một khoảnh khắc thật thà là có thể cứu vớt toàn bộ va vấp".

Ba dự án còn lại được hội đồng bình luận khen ngợi về sự chân thành của người thực hiện.

Miss Ngôi Sao 2014 Trần Thị Thu Hiền thực hiện dự án "Thắp sáng tương lai" gồm xây dựng gian bếp và nấu một bữa ăn ngon, lắp đặt bồn nước và nâng nền sân trường tại trường Cao Biền, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Phùng Bảo Ngọc Vân thực hiện dự án chung tay khoan giếng, lắp đặt hệ thống máy bơm và trao tặng 40 thùng dự trữ nước sạch cho các gia đình tại Đăk Lăk.

Trong khi đó, với dự án tặng 71 chiếc xe đạp mới cho học sinh nghèo huyện Mỹ Đức, Hà Nội, thí sinh Trịnh Phương Trang gây thiện cảm với người xem khi tự tay trang trí những phần quà. Theo dõi hành trình của Phương Trang, diễn viên Chi Bảo chú ý đến hành động người đẹp khi trò chuyện và giúp sửa xe đạp cho một cô bé trên đường. "Một hành trình nhân ái không chỉ có giá trị ở kết quả cuối cùng mà ở từng chặng đường", diễn viên khen ngợi.

Tác giả bài viết: Quỳnh Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok