Kinh tế

Thêm nửa triệu người Việt lao vào cơn say bán hàng đa cấp

Những vụ lừa đảo gây rúng động dư luận thời gian qua vẫn chưa đủ sức làm cho nhiều người Việt tỉnh táo, thoát khỏi cơn mê đa cấp. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, năm 2017 vẫn có tới 553.871 người Việt đăng ký tham gia mạng bán hàng đa cấp.

Vẫn có hàng chục vạn người bị lôi kéo vào mô hình bán hàng đa cấp (Ảnh minh họa/VTV)

Trong đó, Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân báo cáo có 342.930 người mới tham gia (chiếm hơn 61%), Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam có 51.522 người mới tham gia; Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam có 45.930 người mới tham gia; Công ty TNHH Amway Việt Nam có 28.304 người mới tham gia và Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam có 18.394 người mới tham gia.

Tính đến hết tháng 12/2017, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn 34 doanh nghiệp (giảm 20% so với đầu năm 2017), trong đó 32 doanh nghiệp đang hoạt động, 2 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm 9 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, 7 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.

Đến hết tháng 3/2018, số lượng doanh nghiệp giảm xuống còn 33 doanh nghiệp do có 1 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

Cũng theo số liệu thống kê mới nhất, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp trên toàn ngành tính đến tháng 12/2017 là 707.330 người, tăng 69.693 người (khoảng 11%) so với cuối năm 2016.

Doanh nghiệp có số lượng người tham gia lớn nhất là Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân với 371.547 người, chiếm khoảng 52,53% tổng số người tham gia trên toàn quốc. Các doanh nghiệp có số lượng người tham gia lớn tiếp theo là Công ty TNHH Amway Việt Nam (khoảng 11,18%), Công ty TNHH New Image Việt Nam (khoảng 10,12%), Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam (khoảng 6,21%) và Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam (khoảng 4%). Tổng số người tham gia của 5 doanh nghiệp này chiếm 84,47%.

Trong năm năm 2017, có 5 doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không có doanh nghiệp nào được cấp vì không đáp ứng đủ điều kiện. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chủ yếu thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận (cấp xác nhận sửa đổi bổ sung cho 47 hồ sơ, trả lại 9 hồ sơ do hồ sơ không đạt yêu cầu và doanh nghiệp tự rút hồ sơ).

Ngoài ra, Cục đã cấp 770 Chứng chỉ Đào tạo viên bán hàng đa cấp theo yêu cầu của 22 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cục cũng đã thu hồi 34 Chứng chỉ Đào tạo viên bán hàng đa cấp. Đồng thời xử phạt 10 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt gần 2 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 2 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cũng kết thúc việc kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp đối với 1 doanh nghiệp và đang tiến hành các thủ tục để xử lý vi phạm của doanh nghiệp này.

Để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương cũng quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 40 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cùng với đó, Bộ cũng tích cực tham gia hoạt động sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự 2015.

Theo đó, Bộ này kiến nghị bổ sung vào Bộ Luật hình sự 2015 Điều 217a về "Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để có thể xử lý hình sự sớm đối với các vi phạm nghiêm trọng liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp và kinh doanh đa cấp không phép. Quy định này chính thức có hiệu lực từ 1/1/2018.

Tác giả: H.Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok