|
Theo đó, từ ngày 14/3, tại huyện Yên Định đã phát hiện bệnh viêm da nổi cục trâu bò tại 128 hộ chăn nuôi tại 29 thôn của 8 xã, làm 166 con trâu bò mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 3 con bò. Tại huyện Vĩnh Lộc phát hiện bệnh tại 1 hộ chăn nuôi, ở thôn Yên Lạc, xã Ninh Khang làm 1 con bò mắc bệnh. Tại huyện Hoằng Hóa, dịch bệnh xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi, tại 2 thôn của xã Hoằng Đạo làm 2 con bò mắc bệnh. Như vậy tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 4 huyện, thị xã có dịch viêm da nổi cục trâu bò tại 166 hộ chăn nuôi, 33 thôn, khu phố làm 221 con trâu bò mắc bệnh, trong đó phải tiêu hủy 3 con bò.
Hiện tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương có dịch thành lập tổ công tác phòng chống dịch để điều tra tổng đàn, nắm bắt tình hình dịch bệnh và yêu cầu người chăn nuôi không mổ thịt, không bán chạy, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường, thực hiện nuôi nhốt toàn bộ trâu bò trong vùng dịch. Tổ chức tiêm phòng Vắc sin Viêm da nổi cục trâu bò cho đàn trâu bò tại vùng đệm, vùng bị dịch uy hiếp và vùng bị dịch khi có vắc sin. Nghiêm cấm việc mua bán, giết thịt trâu bò trong vùng dịch, trong thời gian có dịch, lập các chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ không cho mang trâu bò, các sản phẩm từ trâu bò ra khỏi vùng dịch. Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện công tác phun tiêu độc khử trùng theo quy định và quy trình của ngành Thú Y.
Nguồn tin: Truyền hình Thanh Hóa