Thẻ tín dụng là gì?
Thẻ tín dụng là một hình thức thay thế cho việc thanh toán trực tiếp. Hình thức thanh toán này được thực hiện dựa trên uy tín. Chủ thẻ không cần phải trả tiền mặt ngay khi mua hàng. Thay vào đó, Ngân hàng sẽ ứng trước tiền cho người bán và chủ thẻ sẽ thanh toán lại sau cho ngân hàng khoản giao dịch. Thẻ tín dụng cho phép khách hàng "trả dần" số tiền thanh toán trong tài khoản. Chủ thẻ không phải thanh toán toàn bộ số dư trên bảng sao kê giao dịch hằng tháng. Tuy nhiên, Chủ thẻ phải trả khoản thanh toán tối thiểu trước ngày đáo hạn đã ghi rõ trên bảng sao kê. Thẻ tín dụng khác với thẻ ghi nợ vì tiền không bị trừ trực tiếp vào tài khoản tiền gửi của chủ thẻ ngay sau mỗi lần mua hàng hoặc rút tiền mặt.
Thẻ tín dụng được phát hành sau khi nhà cung cấp dịch vụ tín dụng duyệt chấp thuận tài khoản thẻ, sau đó chủ thẻ có thể sử dụng nó để mua sắm tại các điểm bán hàng chấp nhận loại thẻ.
Khi mua sắm, người dùng thẻ cam kết sẽ trả tiền cho nhà phát hành thẻ. Chủ thẻ thể hiện cam kết này bằng cách ký tên lên hóa đơn có ghi chi tiết của thẻ cùng với số tiền, hoặc bằng cách nhập một mật mã cá nhân (PIN). Ngoài ra nhiều điểm bán hàng cũng chấp nhận cách thức xác minh qua điện thoại hoặc xác minh qua internet cho những giao dịch được gọi là giao dịch vắng thẻ hoặc vắng chủ thẻ (CNP - Card/Cardholder Not Present). Chủ thẻ cũng có thể rút tiền mặt từ tài khoản thẻ tín dụng (tiền mặt ứng trước) nếu muốn.
Hàng tháng, chủ thẻ nhận được một bảng kê trong đó thể hiện các giao dịch thực hiện bằng thẻ, các khoản phí và tổng số tiền nợ. Sau khi nhận bảng kê, chủ thẻ có quyền khiếu nại bác bỏ một số giao dịch mà anh/chị ta cho là không đúng. Nếu không khiếu nại gì, trước ngày đến hạn, chủ thẻ phải trả một phần tối thiểu định trước, hoặc nhiều hơn, hoặc trả hết món nợ. Nhà cung cấp dịch vụ tín dụng sẽ tính lãi trên phần còn nợ (thường là với lãi suất cao hơn lãi suất của hầu hết những hình thức vay nợ khác). Nhiều tổ chức tài chính có thể sắp xếp việc trả nợ tự động, cắt tiền từ tài khoản ngân hàng của chủ thẻ (nếu có đủ tiền) để tránh trễ hạn trả nợ.
Nguyên tắc vàng cho người sử dụng thẻ tín dụng là phải luôn đảm bảo thanh toán hết toàn bộ số dư nợ cuối kỳ theo đúng hạn thanh toán của ngân hàng nếu muốn được miễn lãi. (Ảnh minh họa).
Tiện ích, không có tiền vẫn có thể mua sắm
Thông tin trên Trí thức trẻ, cũng như thẻ ATM, tiện ích trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, giúp tiết kiệm thời gian, thẻ tín dụng được biết đến là một công cụ nâng cao hiệu quả khi mua sắm bởi thẻ được chấp nhận trên toàn cầu, kể cả giao dịch bên ngoài lẫn trên mạng internet. Không những thế, nếu cần tiền mặt, cũng có thể dùng thẻ tín dụng để rút ở các máy ATM đặt khắp mọi nơi. Với mỗi lần rút tiền mặt từ thẻ, một khoản phí từ 3 – 4% sẽ được tính trên số tiền được rút.
Song khác với quẹt thẻ ATM - khách hàng đang chi tiêu bằng tiền của mình có sẵn trong đó thì khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, thực chất là tiêu bằng số tiền đi vay trước của ngân hàng trong vòng tối đa 45 ngày mà không mất một đồng lãi.
Thậm chí, khảo sát của chúng tôi khi sử dụng dịch vụ tại các ngân hàng cho thấy, rất nhiều mặt hàng và dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng được giảm giá, khuyến mãi, tiết giảm chi phí hơn so với thanh toán theo cách truyền thống.
Ranh giới mong manh giữa Thượng đế và con nợ của ngân hàng
Thẻ tín dụng mang lại nhiều tiện ích nhưng làm cách nào để sử dụng thẻ một cách thông thái thì là một vấn đề cần được tìm hiểu cặn kẽ đặc biệt đứng trước những cạm bẫy mua sắm. Khi có thẻ trong tay, không ít người luôn có cảm giác mình là người có tiền, sẵn tiền, do đó nhiều khi rơi vào cảnh chi tiêu mất kiểm soát.
Về nguyên lý trả lại tiền cho ngân hàng, thẻ tín dụng cho phép khách hàng trả dần số tiền thanh toán trong tài khoản. Hàng tháng, ngân hàng phát hành thẻ sẽ thông báo chi tiết số tiền đã sử dụng trên thẻ tín dụng trong tháng, số tiền yêu cầu thanh toán tối thiểu và ngày hết hạn thanh toán.
Khách hàng có thể chọn 1 trong 3 cách thức thanh toán thẻ tín dụng như sau: Thanh toán tổng dư nợ phải trả mỗi kỳ; Trả trước khoản thanh toán tối thiểu; Trả bất kỳ khoản tiền nào nhiều hơn khoản thanh toán tối thiểu và ít hơn tổng dư nợ phải trả vào trước hoặc trong ngày đến hạn thanh toán.
Thông thường, khách hàng sẽ được tận hưởng ưu đãi miễn lãi tối đa 45 ngày. Nếu số tiền thanh toán ít hơn tổng dư nợ phải trả, phần nợ còn lại sẽ được tính lãi suất và chuyển sang kỳ kế tiếp. Hiện lãi suất các ngân hàng tính đều khá cao, từ 20-30% một năm. Do đó, những ai dùng thẻ tín dụng chỉ nên chi tiêu bằng thẻ tín dụng khoản tiền mà mình chắc chắn sẽ hoàn lại trong tháng. Nếu không, khách hàng sẽ trở thành "con nợ" của ngân hàng.
Vì vậy, nguyên tắc vàng cho người sử dụng thẻ tín dụng là phải luôn đảm bảo thanh toán hết toàn bộ số dư nợ cuối kỳ theo đúng hạn thanh toán của ngân hàng nếu muốn được miễn lãi.
Dễ bị đánh cắp thông tin
Thẻ tín dụng là một hình thức thay thế cho việc thanh toán trực tiếp, những thông tin yêu cầu thanh toán đều hiện diện trên thẻ. Chính vì những đặc điểm này rất dễ bị kẻ gian lợi dụng. Vì vậy, phải luôn bảo mật thông tin thẻ và giữ thẻ trong tầm kiểm soát.
Dù tốt thế nào chỉ nên 2 thẻ tín dụng là đủ
Mỗi người chỉ nên có tối đa 2 thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, xếp hạng tín dụng - tiêu chí quan trọng để có thể vay tiền ngân hàng từ nay về sau - sẽ không tốt nếu các ngân hàng biết bạn mở quá nhiều thẻ tín dụng.
Nếu được cấp hạn mức khá lớn, khách hàng chỉ cần mở một thẻ. Một lời khuyên hữu ích là đừng nên vì nghe những quảng cáo miễn phí phát hành, miễn phí thường niên, tặng quà, vali kéo ... của các nhân viên sale ngân hàng mà mở thêm thẻ. Thông thường, phí thường niên hầu hết tại các ngân hàng chỉ miễn phí năm đầu tiên và phí dịch vụ liên quan đến thẻ tín dụng của mọi ngân hàng thường đắt hơn rất nhiều so với thẻ thông thường.
Những trường hợp không nên dùng thẻ tín dụng
Hóa đơn y tế
Hầu hết các nhà phát hành thẻ tín dụng đều không tính lãi suất với các khoản chi tiêu trong tối đa 45 ngày. Ngược lại, sau thời gian này, lãi suất các ngân hàng tính khá cao, từ 15% đến 30% một năm và tính từ ngày giao dịch thanh toán thực hiện. Vì vậy, một nguyên tắc nằm lòng bạn cần nhớ là chỉ nên "quẹt" thẻ cho các khoản chi tiêu mà mình chắc chắn sẽ thanh toán hết ngay trong tháng, hoặc chậm nhất là sau 45 ngày.
Trong khi đó, những hóa đơn bệnh viện, chi phí y tế lại rất tốn kém, trong một số trường hợp nó có thể "ngốn" vài tháng lương của bạn. Vì vậy, để không trở thành những "con nợ" với lãi suất cao, bạn cần tránh dùng thẻ tín dụng cho các nhu cầu này.
Thực tế, hiện nhiều người lại thích "quẹt" thẻ khi tới các bệnh viện lớn, có hỗ trợ POS, đặc biệt cho các dịch vụ làm đẹp như phun, thêu lông mày; nâng sửa mũi; săm môi... Tuy nhiên, nếu thu nhập hàng tháng không đến chục triệu đồng, bạn không nên liều lĩnh trả bằng thẻ tín dụng cho khoản nâng mũi với chi phí gấp đôi lương như vậy. Rất rủi ro về mặt tài chính.
Đồng thời, cũng nhiều người chọn cách "tiêu trước, trả tiền sau" bằng thẻ tín dụng khi đến các bệnh viện bởi họ tin công ty bảo hiểm sẽ bồi hoàn tiền khám, chữa bệnh trong vòng một tháng nên không bị tính lãi suất. Tuy nhiên, bạn chỉ nên làm vậy nếu đảm bảo sẽ lo xong thủ tục bồi hoàn với bên bảo hiểm sớm. Thực tế nhiều vụ việc do bảo hiểm bồi thường chậm (thiếu các hồ sơ, thủ tục...) mà các chủ thẻ không kịp thanh toán dư nợ trong kỳ cho ngân hàng và phải chịu lãi suất cao, khoảng trên 20% một năm.
Đóng bảo hiểm
Để tăng doanh thu và khuyến khích khách hàng tham gia, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ kết nối với các ngân hàng cho phép người mua bảo hiểm nhân thọ đóng phí cả năm bằng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, đây lại là bẫy rất nguy hiểm mà bản thân bạn nên tránh nếu có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ cho con cái hoặc người thân. Nếu dùng thẻ tín dụng (một khoản tiền thực ra là ảo, phải đi vay) để mang đi đóng góp, tích lũy khi mua bảo hiểm thì rõ ràng bạn đang đi ngược lại mọi quy tắc kinh tế.
Học phí
Đây cũng là một trong những khoản chi tốn kém tiền bạc. Để tránh xa nguy cơ rơi vào bẫy lãi suất của các ngân hàng, bạn nên chủ động trả học phí cho con cái hay của chính bản thân mình bằng tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ nội địa thông thường thay vì thẻ tín dụng.
Đám cưới xa hoa
Các đôi bạn trẻ khá tốn kém để trang trải cho một đám cưới và nhiều người thậm chí còn sẵn sàng tiêu "quá tay" miễn sao có một lễ vu quy hoành tráng như trong mơ. Thông thường, chi tiêu bằng thẻ tín dụng sẽ khiến bạn khó kiểm soát ngân sách hơn là dùng thẻ ghi nợ nội địa hoặc tiền mặt. Do đó, nên cất chiếc thẻ tín dụng của bạn sang một bên khi chuẩn bị cho đám cưới. Đừng biến những ngày đầu tiên trong cuộc sống hôn nhân của mình phải chìm đắm trong cảnh nợ nần.
Mua tiền ảo
Chắc hẳn đã có ai nhắc bạn rằng, chơi các đồng tiền ảo như bitcoin sẽ tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, bất luận bạn "chơi" bitcoin như thế nào, việc bạn mua chúng bằng thẻ tín dụng còn rủi ro hơn nữa. Bitcoin hiện vẫn chưa được nhiều quốc gia chấp nhận và bản thân thế giới của đồng tiền này còn rất nhiều góc khuất. Dùng thẻ tín dụng mua các đồng tiền ảo không những đem rủi ro về mặt tài chính cho bạn mà có thể khiến bạn bị đánh cắp các thông tin tín dụng cá nhân. Hãy cẩn thận trước khi trao gửi thông tin thẻ tín dụng của mình cho bất cứ ai.
Tác giả bài viết: An Nhiên